Chiều tối 28.9, UBND TP.Hội An (Quảng Nam) tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia do Bộ VH-TT-DL trao tặng đối với lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu ở Hội An. Tham dự buổi lễ có ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL.
Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc biệt
Trước khi diễn ra lễ đón nhận danh hiệu, đoàn rước danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tết Trung thu đã tổ chức diễu hành chào mừng trên các tuyến đường trong khu phố cổ Hội An.
Tết Trung thu là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc biệt trong năm của người dân Hội An. Từ tín ngưỡng này đã hình thành nên nhiều giá trị văn hóa cũng như tri thức dân gian riêng có tại Hội An.
Trên cơ sở truyền thống văn hóa bản địa cũng như sự giao lưu văn hóa của Trung Hoa – Nhật Bản… Tết Trung thu trở thành một lễ tiết lớn trong năm ở Hội An, gắn với nhu cầu tín ngưỡng trừ tà, cầu may trong buôn bán, thưởng ngoạn trông trăng.
Lễ hội Trung thu ở Hội An còn được xem là môi trường bảo lưu những nét đẹp truyền thống trong thực hành văn hóa. Từ các nghề thủ công làm đầu thiên cẩu, lân sư rồng, đèn lồng cho đến các tri thức dân gian gắn với ẩm thực truyền thống (bánh Trung thu, bày cỗ Tết Trung thu…) đều góp phần để lễ hội này ở Hội An mang giá trị đặc biệt, hình thành nên các thế hệ nghệ nhân, góp phần cố kết cộng đồng, hình thành sản phẩm văn hóa, du lịch đặc sắc của đô thị cổ.
Diễu hành chào mừng trên các tuyến đường trong khu phố cổ Hội An
Tết Trung thu tại Hội An có sự giao thoa, tiếp biến giữa văn hóa bản địa truyền thống với văn hóa bên ngoài do lịch sử từng là thương cảng quốc tế, nên có nhiều giá trị đặc biệt riêng có.
Một lãnh đạo TP.Hội An cho hay trong hơn 25 năm qua, Tết Trung thu ở Hội An đã gắn liền với hoạt động của đêm rằm phố cổ và trở nên lung linh, huyền ảo thu hút đông đảo du khách.
Việc Bộ VH-TT-DL đưa Tết Trung thu ở Hội An vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia càng khẳng định những giá trị mà Tết Trung thu mang lại trong đời sống của nhân dân địa phương, là cơ hội để các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy.
Đây cũng là nét văn hóa đặc biệt cần được bảo tồn và phát huy trong quá trình Hội An xây dựng hồ sơ tham gia ứng cử vào mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO.
Lễ hội lớn trong năm của cộng đồng cư dân
Ông Nguyễn Hưng (ở P.Cẩm Hà, TP.Hội An), nghệ nhân có hơn 30 năm gắn bó nghề làm đầu lân sư rồng, thiên cẩu… phục vụ Tết Trung thu ở Hội An, cho rằng du khách khi đến Hội An du lịch không chỉ được thưởng ngoạn những cảnh đẹp mang đậm nét cổ kính mà còn được chiêm ngưỡng những sản phẩm độc đáo, đậm tính chất dân gian.
Đáng chú ý, các sản phẩm như đầu lân sư rồng, thiên cẩu… do người dân Hội An làm ra luôn mang một giá trị đặc biệt rất riêng. Việc này cũng góp phần bảo tồn, phát huy nhiều giá trị văn hóa, lịch sử tốt đẹp của đô thị cổ Hội An.
“Tết Trung thu ở Hội An đã tạo thành một lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng đặc trưng của cộng đồng cư dân”, ông Hưng nói.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khẳng định Tết Trung thu ở Hội An là một trong những lễ hội lớn trong năm của cộng đồng cư dân, được hình thành trên cơ sở truyền thống bản địa, giao thoa văn hóa với các nước trong khu vực và luôn được cộng đồng cư dân Hội An duy trì, gìn giữ, tổ chức hằng năm.
Theo ông Tuấn, đây là một trong những lễ hội truyền thống hấp dẫn, sôi động bởi giàu giá trị văn hóa, tín ngưỡng, gắn với loại hình diễn xướng dân gian độc đáo múa thiên cẩu riêng có tại Hội An từ xưa đến nay.
Đầu tháng 2.2023, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Nguyên tiêu ở Hội An cũng đã được Bộ VH-TT-DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Michio Travel
Good