Đèo Khánh Lê là con đèo nối đoạn cuối tỉnh lộ 723 tại huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, với tỉnh lộ 652 tại huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa. Do đó, đây cũng là đường nối liền hai TP du lịch nổi tiếng của Việt Nam là Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), còn được gọi là “con đường nối biển và hoa”.

Đèo Khánh Lê uốn lượn từ thung lũng Khánh Vĩnh, băng ngang qua cao nguyên Di Linh lên cao nguyên Lâm Viên. Từ Nha Trang đến Đà Lạt, so với quãng đường qua đèo Ngoạn Mục (Ninh Thuận), đi qua đèo Khánh Lê giúp du khách rút ngắn quãng đường từ 220 km xuống còn khoảng 140 km.

Đèo Khánh Lê dài 33 km, là sườn đông của dãy Trường Sơn Nam. Phần lớn đường đèo nằm trên địa phận tỉnh Khánh Hòa, đi từ độ cao khoảng 200 m đến 1.700 m so với mực nước biển. Bắt đầu từ địa phận tỉnh Lâm Đồng, đèo có độ thoải từ 1.700 m xuống 1.500 m. Đèo  còn được gọi với nhiều tên khác như đèo Bi Đoup, theo tên đỉnh núi Bi Đoup mà con đèo cắt ngang gần đó hoặc đèo Hòn Giao theo tên dãy núi Hòn Giao nằm ở phía bắc con đèo.

Trải nghiệm vượt đèo vào đầu tháng 10, Nguyễn Đình Hoàng Khánh (29 tuổi, TP HCM) cho biết đèo Khánh Lê mang đến sự phấn khích nhưng không kém phần nguy hiểm cho các phượt thủ. Đèo có độ dốc lớn, uốn lượn với nhiều khúc cua tay áo, kết hợp với sương mù và vực thẳm một bên, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và kỹ năng xử lý tình huống.

Đèo Khánh Lê là nơi giao thoa giữa hai vùng khí hậu. Khánh Vĩnh mang khí hậu khô hanh, nắng nóng, trong khi Lạc Dương mang đặc trưng của vùng cao, khí hậu ôn đới, mát mẻ quanh năm. Cùng với sự chênh lệch độ cao hơn 1.000 m, cảnh quan và thời tiết đặc biệt.

Vào mùa hè, thời tiết tại Nha Trang và Đà Lạt khô ráo nhưng tại khu vực này vẫn có thể xảy ra mưa lớn. Vào mùa thu và mùa đông, sương mù dày đặc thường xuất hiện trên đèo Khánh Lê vào khoảng 2 giờ chiều trở đi. “Đèo Khánh Lê có điểm tương đồng với đèo Hải Vân, khi chỉ cần đi qua đèo, thời tiết tại Đà Nẵng và Huế có thể sẽ có sự khác biệt rõ rệt”, Khánh chia sẻ.

Đã có nhiều lần đi qua đèo, Khánh cho biết mỗi lần đi lại gặp một kiểu thời tiết khác nhau. Lần này anh may mắn đi vào thời điểm trời quang mây tạnh. Trước đây, khi khi đưa bố mẹ từ Đà Lạt xuống Nha Trang, anh gặp mưa lớn và sương mù dày đặc, gần như che khuất hoàn toàn tầm nhìn phía trước. “Tôi phải lái thật chậm và dựa theo vạch kẻ đường phản quang để điều khiển xe. Vì chở bố mẹ nên căng thẳng gấp đôi”, anh nói.

Khánh ngồi xe limousine từ Nha Trang lên Đà Lạt qua đèo Khánh Lê nhưng có cảm giác “hồi hộp và kịch tính như ngồi trên tàu lượn siêu tốc”. Có thể do đã quen đường, thuộc từng khúc cua nên lái xe lái khá nhanh, khiến anh lo sợ. Nguy hiểm là vậy nhưng đèo Khánh Lê cũng mang đến cho các phượt thủ, du khách cảm giác đang đi giữa nơi giao thoa của đất trời. Con đèo nằm giữa núi đồi trùng điệp, xuyên qua không gian thiên nhiên rộng lớn. Bên đường đôi khi sẽ xuất hiện những dòng thác trắng xóa, khe nước chảy từ trong núi ra, mang đến sự thi vị, trữ tình.

default

Mưa và sương mù là “đặc sản” của đèo Khánh Lê. Trong những trận mưa lớn, con đèo thường gặp tình trạng sạt lở và ùn tắc giao thông, tăng thêm độ nguy hiểm. Vì khó có thể dự đoán thời tiết trên đỉnh đèo, du khách nên chuẩn bị sẵn áo mưa khi di chuyển qua đây. Đường đèo khá dài nên cần kiểm tra phương tiện, đặc biệt là phanh và bánh xe để tránh xảy ra sự cố, Khánh chia sẻ.

Cảnh quan trên đèo Khánh Lê thay đổi trên từng đoạn đường. Từ đoạn sông Cái men dọc theo QL27C ở Khánh Vĩnh, những đoạn đường uốn lượn với sương mù dày đặc trên đèo Khánh Lê, sắc hoa mai anh đào nở rộ hai bên đường ở làng K’Long K’Lanh (Lâm Đồng) rồi đến những cánh rừng thông khi sắp đến Đà Lạt. “Dù đã đi nhiều lần, tôi vẫn bị ấn tượng với cảnh sắc thiên nhiên của con đèo và mong muốn trở lại nơi này khi có cơ hội”, Khánh nói.

Michio Travel

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận