Home Blog Page 8

Kiên Giang họp tìm cách cứu du lịch Phú Quốc

0

Ngày 14-10, tại TP Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang có buổi làm việc với các doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch địa phương, Hội Đầu tư và Phát triển du lịch Phú Quốc, các hãng hàng không về cơ chế vé máy bay và giải pháp kích cầu du lịch tại đại phương này trong thời gian tới.

Ông Lâm Minh Thành (đứng) – chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang – yêu cầu địa phương và các sở, ngành liên quan lắng nghe ý kiến doanh nghiệp rồi có kế hoạch xúc tiến, quảng bá hình ảnh nhằm thu hút khách đến vui chơi trong thời gian tới

Địa phương buồn một, doanh nghiệp buồn mười

Bà Lê Thị Hải Châu – tổng thư ký Hội Đầu tư và Phát triển du lịch PQ – cho biết cuộc họp hôm nay có vai trò rất quan trọng trong việc bàn giải pháp kích cầu du lịch địa phương, trong thời gian qua đã và đang gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt dịp lễ 2-9 vừa qua, Phú Quốc chỉ đón khoảng 62.544 lượt khách, giảm 26,5% so với cùng kỳ, trong đó chỉ có 5.700 lượt khách quốc tế. Lượng khách lưu trú chỉ đạt 19.209 lượt, giảm 38,6% và công suất phòng chỉ đạt khoảng 27%.

Đang phát

Bà Châu hy vọng UBND tỉnh Kiên Giang, UBND TP Phú Quốc tới đây cần vào cuộc hỗ trợ, kết nối và đề xuất với Chính phủ và các bộ ngành trung ương để phát triển du lịch địa phương. Đặc biệt, cần có cơ chế chính sách phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển du lịch.

“Năm 2023 này, doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch Phú Quốc đều bị thua lỗ. Địa phương buồn một, doanh nghiệp buồn mười. Các hãng hàng không cần bình ổn giá vé máy bay. Còn doanh nghiệp sẽ có chính sách giá dịch vụ, phòng lưu trú phù hợp để khách đến Phú Quốc vui chơi thoải mái. Việc làm này, doanh nghiệp và các hãng hàng không cùng chia sẻ, cùng nhau kích cầu du lịch, vượt qua khó khăn, phát triển lâu dài”, bà Châu nói.

Tại hội nghị, bàn về giải pháp kích cầu du lịch tại Phú Quốc, ông Nguyễn Bác Toán – giám đốc thương mại Công ty cổ phần Hàng không Vietjet – cho biết đơn vị sẵn sàng cùng doanh nghiệp làm du lịch ở địa phương kích cầu du lịch. Đơn vị cũng mong muốn Phú Quốc cần có gói giá dịch vụ du lịch cụ thể, giá cả phù hợp để thu hút khách đến chơi nhiều hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, địa phương cần có chương trình, sự kiện thu hút khách quốc tế đến Phú Quốc.

Ông Nguyễn Vũ Khắc Huy – phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Kiên Giang, tổng giám đốc Công ty TNHH Du lịch Vina Phú Quốc – bày tỏ khách du lịch đến Phú Quốc giảm thời gian qua có nhiều nguyên nhân như: nhu cầu của khách thích đi du lịch ở các điểm gần; suy thoái kinh tế và có một phần chi phí giá vé máy bay cao…

“Du lịch Phú Quốc vẫn còn hấp dẫn và đẹp trong mắt du khách. Với giá cả dịch vụ ở Phú Quốc phù hợp như hiện nay, chúng tôi tin rằng tới đây ngành du lịch sẽ khả quan trở lại. Đặc biệt, công tác truyền thông quảng bá hình ảnh Phú Quốc lan rộng thì sẽ tạo hiệu ứng được nhiều hơn trong mắt khách du lịch trong và ngoài nước”, ông Huy nói.

Bà Lê Thị Hải Châu – kiến nghị UBND tỉnh Kiên Giang, UBND TP Phú Quốc cần có cơ chế chính sách phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển du lịch

Cần phối hợp xúc tiến, quảng bá du lịch hiệu quả

Ông Huỳnh Quang Hưng – chủ tịch UBND TP Phú Quốc – nhìn nhận các nhà đầu tư, tập đoàn trong thời gian qua đầu tư rất nhiều để phát triển du lịch ở Phú Quốc. Đến nay, địa phương có gần 30.000 phòng lưu trú; 800 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch phục vụ đa dạng phân khúc khách du lịch.

Đầu năm 2023 đến nay, du lịch địa phương gặp khó. Lượng khách đến Phú Quốc giảm nhiều. Hiện nay khách đến Phú Quốc bằng đường bay chiếm khoảng 60%, còn đường tàu khoảng 40%. Tuy nhiên, các chuyến bay, tàu hiện đến Phú Quốc đều vắng khách. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp địa phương đang gặp khó khăn. Địa phương rất buồn về việc này.

“Vấn đề môi trường, an ninh trật tự, giá cả, dịch vụ và an toàn thực phẩm, địa phương đã có kế hoạch khắc phục trong thời gian sớm nhất. Địa phương sẽ có trách nhiệm kiểm tra, xử lý để du khách yên tâm đến Phú Quốc vui chơi. Liên quan đến giá vé máy bay, chúng tôi đề nghị các hãng hàng không cần tính toán để có giá vé hợp lý, hợp lệ, hài hòa lợi ích chung”, ông Hưng nói.

du lịch Phú Quốc
Lượng khách du lịch đến Phú Quốc trong thời gian qua bị sụt giảm nhiều

Ông Lâm Minh Thành – chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang – ghi nhận khó khăn của nhà đầu tư, doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch trong thời gian qua. Việc sụt giảm lượng khách đến Phú Quốc không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu doanh nghiệp kinh doanh địa phương mà còn có uy tín ngành du lịch. Địa phương, các sở ngành liên quan cần lắng nghe doanh nghiệp đề xuất gì để có sự phối hợp xúc tiến hiệu quả, mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm du lịch phục vụ khách tốt hơn.

“Qua hội nghị hôm nay, chúng ta sẽ làm được và làm nhanh. UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị Trung tâm Xúc tiến thương mại và du lịch tỉnh và Sở Du lịch Kiên Giang chủ trì làm cầu nối với các hãng hàng không, lữ hành… để ngồi lại với nhau, có giải pháp cụ thể, thống nhất rồi ký kết ban đầu, kích cầu du lịch trong thời gian tới”, ông Thành nhấn mạnh.

Michio Travel

Đà Lạt cuối năm hấp dẫn du khách bởi mùa hoa trái và sương mù

0

Mỗi mùa, Đà Lạt đều “thay áo mới” từ thời tiết đến hoa trái, tạo nên sức hút đối với những du khách yêu phố núi. Thời điểm từ tháng 10 đến cuối năm cũng là khoảnh khắc đẹp của Đà Lạt vì tiết trời chuyển từ cuối Thu sang Đông, mang theo cái se lạnh của gió. Càng về cuối năm, nhiệt độ càng giảm.

Càng về cuối năm, nhiệt độ Đà Lạt càng giảm và xuất hiện nhiều sương mù

Chính lúc này, những thảm hoa dã quỳ bắt đầu nhuộm vàng phố phường, cỏ hồng trải khắp đồi và những trái hồng đều đã chín mọng. Đây cũng được xem là mùa cao điểm du lịch Đà Lạt.

Cuối năm, nhiệt độ Đà Lạt giảm mạnh, sáng sớm chỉ 7-8 độ C, từ trưa đến tối khoảng 14 đến 15 độ C, lý tưởng với những du khách thích cái lạnh. Không những vậy, đặc sản của tháng 10, 11, 12 là sương mù và mây dày đặc. Đứng trong trung tâm thành phố, du khách cũng có thể nhìn thấy sương.

Thời điểm này thích hợp “săn” mây và sương

Thời điểm này cũng thích hợp “săn” mây và sương. Nếu dậy sớm từ khoảng 5:30, du khách sẽ được chiêm ngưỡng ánh nắng trong vắt của buổi sáng se lạnh và “biển” mây trắng xóa, bồng bềnh trên những ngọn đồi cao. Đồi chè Cầu Đất, đồi Đa Phú, đồi Thiên Phúc Đức, đỉnh Hòn Bồ… là những nơi du khách có thể đến “săn” mây.

Khi đến Đà Lạt dịp cuối năm, du khách cần mang theo quần áo ấm để thích nghi với cái lạnh của rừng núi.

Ngoài ra, hồng là loại quả đặc sản được du khách “săn đón” ở Đà Lạt. Mỗi năm, từ khoảng tháng 8, hồng bắt đầu ra trái xanh và kéo dài tới hết tháng 11, sang đầu tháng 12. Khi vào mùa thu hoạch, quả hồng được bày bán dọc các khu chợ, khắp tuyến đường trong thành phố.

Hồng là loại quả đặc sản được du khách “săn đón” ở Đà Lạt

Vào những tháng này, cây hồng sẽ trụi lá, chỉ còn những quả hồng thắm đỏ trên cành. Hầu hết vườn hồng cũng mở cửa cho du khách tham quan, chụp ảnh. Ngoài thưởng thức hồng chín dưới tán cây, du khách có thể mua thêm hồng treo gió hoặc mứt hồng về làm quà. Một số địa điểm hái hồng tại Đà Lạt có thể kể đến Cầu Đất Garden, vườn hồng nhà Tom, Mộc Trà Farm, Mama Dala…

Từ tháng 10 đến tháng 11, khi những cơn mưa đã đi qua, thành phố mộng mơ cũng được bao phủ bởi sắc vàng của hoa dã quỳ. Những khóm hoa dã quỳ nở rộ khắp các triền đồi, trên những con đường nhỏ hay hàng rào của những ngôi biệt thự cổ kính.

Dã quỳ là loài hoa đặc trưng của Đà Lạt vào cuối năm

Thời gian lý tưởng để có những bức ảnh đẹp là từ 8:00 đến 10:00, khi ánh nắng nhẹ chiếu trên những cánh hoa. Các khu vực thường có nhiều hoa là cung đường Trại Mát – Cầu Đất, cung đường đèo Tà Năng, đường hầm Hỏa Xa hay cung đường đi hồ Suối Vàng.

Nếu muốn ngắm hoa trong trung tâm thành phố, du khách có thể đến trường đại học Đà Lạt, khu quy hoạch đường Phan Đình Phùng. Tuy nhiên, hoa ở các nơi này thường thưa hơn.

Khi trời dần trở lạnh hơn, những ngọn cỏ hồng lại đua nhau bung nở, phủ khắp những ngọn đồi. Cỏ hồng thường chỉ nở mỗi năm một lần vào cuối tháng 11 đến tháng 12. Chính vì vậy, nhiều du khách thường đến Đà Lạt vào dịp cuối năm để chiêm ngưỡng cỏ hồng.

Cỏ hồng thực chất là tên gọi để chỉ loại cỏ dại có màu hồng tím, mọc thành từng bụi thấp sát mặt đất. Những ngọn đồi bao phủ bởi cỏ hồng tạo nên khung cảnh lãng mạn. Để ngắm cỏ, du khách phải ra khỏi trung tâm thành phố, đến khu Lavender hồ Tuyền Lâm, đồi Hòn Bồ, đồi cỏ hồng thung lũng Vàng, bờ hồ Dankia…

Thời điểm ngắm cỏ hồng đẹp nhất là lúc sáng sớm khi nắng vừa lên, sương còn đọng trên cỏ, biến cỏ hồng thành cỏ tuyết có màu hồng pha trắng đẹp mắt.

Michio Travel

Diện mạo mới trên cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây

0

Theo báo cáo của Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E), từ ngày cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây thông xe, lưu lượng qua cao tốc Long Thành và rẽ vào nút giao Km99 cao tốc đi hướng Xuân Lộc, Phan Thiết gia tăng đột biến. Bình quân đạt 58.000-62.000 lượt xe/ngày đêm, ngày cao điểm đạt 70.000-73.000 lượt xe/ngày đêm.

Nút giao Km99, kết nối cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây sau khi đưa vào khai thác luôn tấp nập phương tiện qua lại.

Xe khách nườm nượp lưu thông trên cao tốc đoạn qua huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai). Theo quan sát của PV trong nhiều ngày, lưu lượng ô tô tải, xe khách đoạn qua TP Long Khánh, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) giảm hẳn do các phương tiện này bị “hút” vào cao tốc.

Hồ Gia Măng đoạn qua các xã Suối Cát, Xuân Hiệp, Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) tuyệt đẹp nhìn từ trên cao. Mùa mưa nước đầy tràn hồ tạo cảnh vật xanh mát ven đường cao tốc.

Ô tô tấp nập lưu thông trên cao tốc băng qua hồ Gia Măng.

Trong ảnh là nút giao Xuân Lộc, tại Km62+997 (xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc), nhà thầu đã thi công hoàn thiện. Từ khi đưa vào khai thác, phương tiện vận chuyển hàng hóa trên quốc lộ 1 theo các đường nhánh để vào cao tốc. Xe khách từ huyện Xuân Lộc cũng dễ dàng đi Phan Thiết (Bình Thuận) hoặc về TP.HCM rút ngắn hành trình và tiết kiệm đáng kể thời gian lưu thông.

Một góc nút giao kết nối QL1 với cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây qua huyện Xuân Lộc.

Ông Nguyễn Công Hợp, Phó giám đốc Ban điều hành cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây cho biết, sau ngày thông xe tuyến chính, nhà thầu tiếp tục triển khai các hạng mục tiếp theo đường gom dân sinh, gia cố mái ta luy. “Quá trình thi công trong mùa mưa gặp nhiều khó khăn, nhà thầu phải canh thời tiết thi công. Đến nay, các hạng mục đường gom dân sinh qua Đồng Nai, Bình Thuận đã cơ bản hoàn thành”, ông Hợp nói.

Một đoạn đường gom cao tốc qua Km50 huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đang được thi công. Hàng chục cây số đường được thảm nhựa, sơn vạch kẻ đường, lắp hàng rào hộ lan hoàn chỉnh. “Phạm vi gói thầu XL03 qua huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ tỉnh Đồng Nai đề xuất bổ sung thêm hai nút giao cùng hệ thống đường gom dân sinh. Tuy nhiên, hạng mục phát sinh đường gom nhà thầu chưa nhận được mặt bằng để thi công, đối với hai nút giao, tỉnh đề nghị bổ sung nằm ngoài dự án nên phải lập một dự án riêng”, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc điều hành gói thầu XL03 cho hay.

Nút giao QL55 nườm nượp ô tô con, xe tải qua lại.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Bình Thuận, việc đưa vào khai thác hai tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết và Vĩnh Hảo – Phan Thiết là đón bẩy quan trọng góp phần kéo lượng lớn du khách đến tỉnh này. Trong 9 tháng đầu năm lượng du khách ước đạt gần 7 triệu lượt khách, vượt kế hoạch của cả năm 2023. Trong đó, lượng du khách quốc tế đạt 200.000 lượt khách, tăng 4 lần so với cùng kỳ năm 2022 (Trong ảnh: Một đoạn cao tốc qua huyện Hàm Tân, Bình Thuận).

Mù Cang Chải mùa lúa chín hấp dẫn du khách đổ về nườm nượp

0

Cách Hà Nội hơn 300 km đi ô tô, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái nay không còn xa lạ với những người ưa khám phá và thưởng ngoạn cảnh sắc của núi rừng.

Mù Cang Chải

Khí hậu tại đây quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình hàng năm dao động từ 19-21 độ.

Điểm thu hút khách du lịch nhất là di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải, một kiệt tác về nghệ thuật canh tác trên đất dốc.

Địa danh này được nhiều tạp chí du lịch trong nước và quốc tế nhận định trở thành một trong những điểm đến rực rỡ nhất thế giới.

Mỗi mùa lúa chín, du khách ở khắp nơi tấp nập đến với nơi đây để tận mắt chứng kiến ruộng bậc thang được bao phủ bởi sắc vàng ruộm.

Một du khách lần đầu đặt chân đến đây cho biết: “Đến Mù Cang Chải để săn ảnh vào thời điểm này là quá hợp lý. Điều mình thích nhất khi du lịch ở đây là thái độ phục vụ của người dân rất tốt, tạo nên cảm giác thoải mái. Ngoài ra, nếu du lịch theo tour, chi phí khá phải chăng, chỉ 2,5 triệu đồng cho tour 3 ngày 2 đêm cả Mù Cang Chải và Tà Xùa”.

Du khách thích thú khi mặc quần áo đậm chất bản sắc văn hóa để lưu giữ lại những kỷ niệm đáng nhớ.

Mù Cang Chải có những góc check-in hấp dẫn người trẻ tuổi, ưa khám phá.

Trải nghiệm dù lượn ngắm toàn cảnh ruộng bậc thang khiến nhiều du khách phấn khích.

Du khách được ngắm nhìn quang cảnh lao động hăng say của người dân bản địa.


Michio Travel

Đến Lạng Sơn ngắm mây vờn núi tại đỉnh núi Cha độ cao 1541m

0

Để đi đến đây, du khách có thể theo tuyến quốc lộ 1A đến thành phố Lạng Sơn rồi theo quốc lộ 4B về thị trấn huyện Lộc Bình, đi tiếp khoảng 6 km có con đường liên thôn dẫn vào chân núi thuộc địa phận thôn Nà Mò, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình.

Sống khủng long đường lên núi Cha

Du khách sẽ phải leo núi trong khoảng gần 5 giờ đồng hồ với quãng đường dốc đứng liên tục kéo dài hơn 5 km và tương đương cho chiều xuống núi. Bạn sẽ cần đến hơn 12 giờ cho hành trình lên xuống núi thành công.

Đó là một thách thức lớn đối với những người không có sức khỏe tốt. Bù lại khí hậu trong lành và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp nơi đây sẽ giúp bạn quên hết mệt mỏi để quyết tâm chinh phục thành công ngọn núi này.

Cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ, hệ thảm thực vật phong phú, hoang sơ, những cánh rừng nguyên sinh… Núi Cha có đặc trưng là những triền cỏ rộng lớn xanh ngát về mùa hè. Mùa đông đến, các thảm cỏ chuyển dần sang màu vàng, nổi bật giữa nên trời xanh.

Núi Cha được coi là một trong số những ngọn núi đa dạng nhất trong các ngọn núi phía ở phía Bắc nước ta. Trong những năm gần đây, Phja Pò có sức cuốn hút mạnh mẽ tới du khách trong và ngoài nước nhất là những du khách đam mê leo núi và nhiếp ảnh khi đến với Xứ Lạng.

Du khách camping trên đỉnh núi Cha

Hơn 2 năm trở lại đây, loại hình Hiking trên núi Phjia Pò tỉnh Lạng Sơn được đông đảo cộng đồng đam mê du lịch leo núi tìm đến. Khí hậu trong lành mát mẻ, địa hình hấp dẫn đa dạng, chỉ cách trung tâm Hà Nội 180 km, có thể đi về trong ngày là những lợi thế cạnh tranh rất lớn mà Phjia Pò mang lại so với những điểm leo núi khác trên cả nước.

Trên quãng đường Hiking kéo dài 5 km đó cảnh quan khí hậu thay đổi liên tục sẽ khiến du khách đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác, đó là sức hấp dẫn riêng có của Phjia Pò thôi thúc bạn tìm đến trải nghiệm vào các mùa trong năm.

Đầu tiên ngay sau bãi gửi xe ven con suối Nà Mò trong vắt mát lạnh nhờ lượng nước nguồn chảy ra đêm ngày từ rừng nguyên sinh bạn sẽ đi vào làng bản dân tộc Dao với những mái nhà trình tường, những sườn ruộng bậc thang là nét đặc trưng của Mẫu Sơn, tiếp đó là rừng thông xanh bát ngát.

Vượt qua con thác cạn giữa rừng bạn sẽ bắt gặp sườn cỏ kỳ vĩ dựng đứng rộng ngút tầm mắt ngay phía trước. Sườn cỏ thay đổi màu sắc mỗi mùa, từ xanh ngát của mùa hạ đến úa vàng mỗi độ thu về, chuyển sang màu mật cháy khi chính đông, và sắc non mơn mởn pha lẫn màu mật mía khi xuân sang.

Giữa sườn cỏ là các ốc đảo số 1, ốc đảo số 2 lộng gió ngập tràn cây cối vô tình thành điểm dừng nghỉ lý tưởng cho hành trình leo dốc dựng đứng. Bước chân sẽ đưa bạn đến “sống lưng khủng long” kỳ vỹ kéo dài hơn 400 mét nhô lên giữa 2 vực sâu hút mắt, đi trên chiều rộng sống núi rộng chỉ hơn 2 mét này là là một trải nghiệm ấn tượng khó quên.

Đi nữa, bạn sẽ bước vào cánh rừng nguyên sinh rêu phong rậm rạp với cơ man nào là cây đỗ quyên cổ thụ, những rừng trúc ken dày, được đu dây leo qua vách đá, tiếp tục leo “sống lưng khủng long” thứ hai giữa vách vực sâu thẳm trước khi chạm chân đến đỉnh cao 1.541 mét nhọn hoắt như đầu ngọn bút chì vẽ lên nền trời xanh thẳm…

Từ cuối thu hàng năm, hoạt động leo núi dã ngoại Phjia Pò càng trở nên tấp nập với hàng chục đoàn khách vào những ngày cuối tuần. Nhu cầu tăng cao, đội ngũ porter bản địa dần hình thành, họ nhận dẫn đường, mang vác đồ đạc, hành lý giúp các đoàn khách một cách tận tình chu đáo.

Để trải nghiệm trọn vẹn sức hấp dẫn của thiên nhiên nhiều đoàn khách đã tìm cách kéo dài chuyến đi trong 2 ngày 1 đêm, họ chọn sử dụng dịch vụ ăn uống và lều trại từ đội ngũ porter ngay chân núi, cùng đón hoàng hôn và ánh bình minh, tổ chức lửa trại, săn mây bên bãi nghỉ có độ cao 1.000 mét hoàn toàn yên tĩnh tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Vào những ngày đông lạnh giá, việc leo lên đỉnh núi để săn băng tuyết phủ trắng cũng là trải nghiệm xa xỉ đối với một số ít du khách may mắn.

Ngoài ra, du khách còn có thể tham quan đỉnh Nà Lay cũng ở Lạng Sơn, không quá cao như những đỉnh núi khác ở khu vực Tây Bắc nước ta. Với chiều cao hơn 600 mét so với mực nước biển, hành trình trekking Nà Lay không thể nào làm khó được những tín đồ yêu thiên nhiên, thích xê dịch. Nếu đã từng leo núi, bạn sẽ mất khoảng 1 giờ đồng hồ để lên đến đỉnh.

Từ trung tâm thủ đô Hà Nội đến đỉnh Nà Lay Lạng Sơn khoảng 150 km, bạn có thể chọn đi bằng xe máy hoặc xe khách tùy vào lịch trình du lịch. Nếu đi xe máy, bạn có thể đi theo hướng cầu Nhật Tân đến Quốc lộ 18B, ra cao tốc Hà Nội rồi tiếp tục đi về hướng Bắc Sơn.

Vì quãng đường tương đối xa nên tốt nhất, bạn hãy sắp xếp lịch trình du lịch Lạng Sơn khoảng 2 ngày 1 đêm dễ có thể khám phá thêm nhiều điểm đến ở đây. Ngoài ra, thời gian 2 ngày cũng giúp bạn không bị cập rập thời gian khi trekking, leo núi và thưởng thức cảnh đẹp trên đỉnh Nà Lay.

Là một ngọn núi không quá cao lại nằm cạnh bên thung lũng Bắc Sơn xinh đẹp nên đường lên đỉnh Nà Lay tương đối dễ đi. Để lên được đỉnh núi, bạn phải băng qua quãng đường dài khoảng 1200 bậc thang đá cheo leo, dựng đứng. Tùy vào sức khỏe và thời tiết mà du khách sẽ có trải nghiệm khác nhau trong hành trình leo núi.

Dù đã được mở đường với những bậc thang đá nhưng cung đường lên đỉnh Nà Lay Lạng Sơn vẫn còn vẹn nguyên nét đẹp hoang sơ. Xung quanh cây cỏ um tùm, đất đá chen nhau, tạo nên khung cảnh hết sức huyền bí. Dù hành trình chinh phục đỉnh núi không quá vất vả nhưng chắc hẳn bạn sẽ có nhiều trải nghiệm đáng nhớ trên đường đi.

Michio Travel

Chùa Tam Chúc lớn bậc nhất thế giới ở núi Thất Tinh

3

Tam Chúc là một quần thể danh thắng tâm linh rộng lớn, trong đó có chùa Tam Chúc – ngôi chùa được biết đến là một trong những ngôi chùa lớn nhất thế giới. Nơi đây không chỉ có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ, đẹp tựa chốn bồng lai mà còn là nơi nuôi dưỡng, phát triển, truyền bá những giá trị văn hóa Phật giáo mang tầm quốc tế.

Đến với Tam Chúc du khách sẽ được hòa mình trong cảnh núi non hùng vĩ, được nghe những câu chuyện huyền thoại gắn liền hàng ngàn năm với địa danh nơi đây, những nét hoang sơ, tự nhiên, sơn thủy hữu tình, nơi đất Phật cõi trần gian

Tháp Ngọc được xây dựng trên đỉnh ngọn núi cao nhất thuộc dãy núi Thất Tinh và nằm trên trục thần đạo của toàn bộ khu tâm linh. Công trình này do những người theo đạo Hindu đến từ đất nước Ấn Độ xây dựng bằng hàng ngàn khối đá granite đỏ ghép lại. Đây là công trình tiêu biểu mang dấu ấn của những người thợ quê hương Đức Phật.

Cùng đó là hệ thống 12.000 bức tranh bằng đá núi lửa được khai thác, đục đẽo rất công phu, cầu kỳ và tỉ mỉ bởi đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân theo đạo Hồi Indonesia. Các bức phù điêu đá trong mỗi đại điện thể hiện một chủ đề khác nhau vô cùng nhân văn và sâu sắc, nhưng cũng rất dễ hiểu. Đây là những tác phẩm có một không hai trên thế giới – những tích chuyện về Phật giáo trên tường chùa Tam Chúc trong tương lai có thể trở thành di sản tâm linh.

Du khách đi thuyền vào chùa để ngắm cảnh non nước hữu tình, đẹp như Vịnh Hạ Long thu nhỏ

Bao quanh chùa là những dãy núi đá vôi và rừng tự nhiên. Lưng chùa tựa núi Thất Tinh, mặt hướng hồ Tam Chúc với 6 hòn đảo đá nổi lên trên mặt hồ tạo nên cảnh quan vô cùng hùng vĩ và thanh bình

Từ cổng Tam Quan đến điện Quan Âm, bạn sẽ đi qua vườn Cột Kinh. Đây là vườn lớn với 32 cột kinh Phật, được phục dựng theo phiên bản cột kinh Phật tại chùa Nhất Trụ, một bảo vật quốc gia ở Hoa Lư, Ninh Bình. Những cột kinh ở chùa Tam Chúc được làm từ đá xanh Thanh Hóa. Mỗi cột nặng khoảng 200 tấn, được thiết kế kiểu đài sen – nụ sen với phần thân trụ hình lục giác, điêu khắc tỉ mỉ các lời dạy của Đức Phật.

Cùng với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, trữ tình, Tam Chúc còn được nhiều nhà phong thủy đánh giá là vùng đất địa linh bởi địa thế “tựa sơn hướng thủy”

Ngôi chùa Tam Chúc cổ được xây dựng từ thời nhà Đinh cách đây khoảng 1.000 năm. Chính bởi vị trí đặc biệt được bao bọc bởi hồ Tam Chúc phía trước và dãy núi Thất Tinh phía sau, nên ngôi chùa gắn liền sự tích “Tiền Lục Nhạc – Hậu Thất Tinh”.

Tương truyền, khi xưa có 7 ngôi sao sáng trên 7 ngọn núi ở vùng Tam Chúc, hiện thân của 7 nàng tiên nữ giáng trần ngao du. Vì quá si mê cảnh đẹp nơi chốn sơn thủy hữu tình, các nàng mải chơi không về. Thế nên, nhà trời đã cử người mang binh khí là quả chuông xuống để gọi các nàng về 6 lần, nhưng lần nào cũng vô ích. 6 hòn đảo nhỏ nổi lên giữa hồ được ví như là 6 quả chuông nhà trời để lại, tức là Lục Nhạc; còn 7 ngọn núi kia là Thất Tinh.

Sau đó, một số người đã đến núi Thất Tinh để đục đẽo, đốt lửa, hòng lấy đi 7 ngôi sao ấy. Tuy nhiên, lửa lớn đã khiến 4 ngôi sao bị mờ dần đi, và chỉ còn lại 3 ngôi sao. Ngôi chùa Thất Tinh trong làng Tam Chúc từ đó có tên là chùa Ba Sao, và thị trấn Ba Sao cũng được đặt tên theo tích ấy.

Bên trong chùa rất rộng lớn, là nơi để Phật tử làm các nghi lễ Phật giáo

Vào dịp lễ Vu Lan hàng năm, chùa đều tổ chức cho Phật tử làm lễ trong chùa. Mùa Vu Lan báo hiếu là dịp để sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn, gửi gắm tình cảm đến người thân.

Nơi đây thiên nhiên kỳ vĩ, sơn thủy hữu tình, mà còn là nơi hội tụ nhiều sinh vật kỳ bí làm mê mẩn du khách. Điển hình như loài cá Trối vừa trèo đèo vừa lội suối, lúc ẩn mình dưới hồ lúc leo lên bờ kiếm sống…

Cá Trối được mệnh danh là “lính thuỷ đánh bộ” hoặc loài “sát thủ” lúc sống trên núi, lúc ẩn mình dưới hồ, bên cạnh đó là hàng trăm loài chim muôn màu từ khắp nơi đổ về đây tô thêm vẻ đẹp cho quần thể tâm linh Tam Chúc.

Quần thể chùa Tam Chúc nằm ẩn mình trong quần thể núi đá vôi ngập nước. Ngôi chùa đặc biệt được xây dựng trên nền ngôi chùa Tam Chúc cổ tự có niên đại hơn 1.000 năm

Nơi đây lưu giữ những dấu tích huyền thoại của các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần cùng dấu chân của Thiền sư Nguyễn Minh Không trên bước đường xây dựng chùa, tu hành cứu nhân độ thế của Ngài.

Đến với Tam Chúc du khách sẽ được hòa mình trong cảnh núi non hùng vĩ, được nghe những câu chuyện huyền thoại gắn liền hàng ngàn năm với địa danh nơi đây, những nét hoang sơ, tự nhiên, sơn thủy hữu tình, nơi đất Phật cõi trần gian.

Quần thể chùa Tam Chúc là sự kết nối hài hòa giữa quá khứ, hiện tại và tương lai; là sự phối hợp nhuần nhuyễn, tinh tế giữa nền văn hóa phương Đông và phương Tây dựa trên nền tảng Phật giáo, được thể hiện qua bàn tay tạo tác khéo léo của những nghệ nhân điêu khắc đến từ Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia.

Michio Travel

Những địa điểm không nên bỏ lỡ khi đến Bạc Liêu

1

Nhắc tới Bạc Liêu, người ta thường nghĩ ngay đến giai thoại công tử Bạc Liêu đốt tiền nấu trứng, bài Dạ cổ hoài lang, cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu… vì vậy, khi đến Bạc Liêu du khách không thể không ghé thưởng lãm những di tích này.

Chùa Xiêm Cán

Chùa Xiêm Cán tọa lạc tại xã Vĩnh Trạch Đông, cách TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) khoảng 7km, được xem là ngôi chùa cổ kính và lộng lẫy nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Tây Nam Bộ. Chùa được xây dựng vào năm 1887, diện tích khoảng 5ha.

Chùa Xiêm Cán được xem là ngôi chùa cổ kính và lộng lẫy nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Tây Nam Bộ

Lúc đầu chùa Xiêm Cán có tên tiếng Khmer là Komphisako, thể hiện sự uyên bác và sâu xa của trí tuệ Phật pháp. Cái tên Xiêm Cán của Chùa xuất phát từ tiếng Tiều (tiếng của người gốc Triều Châu, Trung Quốc, hiện đang sinh sống nhiều ở Bạc Liêu) có nghĩa là “giáp nước”, bởi địa hình vùng đất này trước đây bên cạnh bãi bồi ven biển.

Quần thể kiến trúc chùa Xiêm Cán gồm nhiều hạng mục, được xây dựng theo trường phái Phật giáo Nam Tông đặc trưng nhưng mang đậm dấu ấn kiến trúc Angkor – Campuchia.

Trong đó, nổi bật nhất là Chánh điện, được xây theo dạng hình chữ nhật có chiều rộng khoảng 18m, chiều dài khoảng 36m, mặt chính quay về hướng Đông. Lối vào chánh điện với 18 bậc thang để đi lên, phía trên là tượng Phật Thích Ca. Trên vách, trần, cột của chánh điện đều được trang trí phù điêu bích họa cầu kỳ, công phu, nhiều màu sắc. Nổi bật các bích họa cỡ lớn kể về cuộc đời đức Phật từ lúc mới sinh ra, cho đến quá trình tu hành đạt thành chánh quả.

Chùa Xiêm Cám có đến 115 pho tượng, khoảng sân cùng những hàng cây xanh mát, không gian toát lên vẻ thanh tĩnh và trang nghiêm

Ngoài ra, chùa có đến 115 pho tượng, một bia đá và một quả chuông có từ năm 1887. Các công trình này cách nhau cả trăm mét, xen giữa là những khoảng sân cùng những hàng cây xanh mát, không gian toát lên vẻ thanh tĩnh và trang nghiêm. Với những đường nét hoa văn tinh xảo, kiến trúc độc đáo, Chùa có tuổi đời hơn một thế kỷ vẫn uy nghi tồn tại và đón hàng ngàn du khách thập phương đến đây tham quan, chiêm bái.

Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (khu lưu niệm) tọa lạc tại khóm 4, phường 2 (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Đến đây, du khách sẽ thưởng thức được trọn vẹn không gian đờn ca tài tử, những cung bậc trầm bổng của bài ca bất hủ Dạ cổ hoài lang.

Khu lưu niệm có các công trình, như: Đài nguyệt cầm, tượng cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu cùng vườn nhạc cụ bằng đá, nhà lưu niệm…

Đồng thời, chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc đặc sắc mang đậm nét nghệ thuật Đờn ca tài tử. Cạnh đó, du khách còn được nghe kể lại câu chuyện tình yêu trắc trở của cố nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu.

Hoa hậu Trái đất 2018 Nguyễn Phương Khánh, đại sứ của chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đến thăm khu lưu niệm trong chuyến về Bạc Liêu gần đây

Khu lưu niệm có các công trình, như: Đài nguyệt cầm, tượng cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu cùng vườn nhạc cụ bằng đá, nhà trưng bày nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và sân khấu cải lương. Cùng với đó là nhà trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Cao Văn Lầu và lịch sử hình thành bản Dạ cổ hoài lang.

Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu được xây dựng vào năm 2008. Đến năm 2013 đã được Tỉnh ủy, UBND Bạc Liêu giao cho sở VH-TT&DL trùng tu, tôn tạo với khuôn viên hơn 12.500 m2.

Đến năm 2014, khu lưu niệm được Bộ VH-TT&DL xếp hạng là di tích cấp quốc gia và được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của vùng năm 2015. Mới đây, khu lưu niệm tiếp tục được công nhận sản phẩm OCOP bốn sao, đây cũng là sản phẩm du lịch đầu tiên, của khu vực ĐBSCL được chứng nhận là sản phẩm OCOP.

Khu du lịch sinh thái điện gió Hòa Bình 1

Tại huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu) có hai công trình điện gió Hòa Bình 1 và Hòa Bình 2, được xem là tổ hợp điện gió lớn nhất Việt Nam. Dự án tổ hợp điện gió với hàng loạt công trình “mọc lên từ lòng biển”, như: cầu dẫn trên biển dài 26km, đóng hai sà lan siêu trọng 10.000 tấn (lớn nhất Việt Nam), nhà máy điện gió HB1 và HB2 với 39 turbine gió trên biển…

Khu sinh thái điện gió Hòa Bình 1, nơi được nhiều bạn trẻ chọn làm địa điểm check-in khi đến Bạc Liêu, nhiều cặp đôi cũng chọn nơi đây chụp ảnh cưới

Ngoài ra, khu sinh thái điện gió Hòa Bình 1 còn được đầu tư trở thành một điểm đến đầy mới lạ, đặc sắc với tên gọi “Bản giao hưởng của gió”. Đến đây, du khách sẽ có những bức ảnh lưu niệm cực kỳ lung linh, cạnh đó, đây còn là nơi dừng chân, nghĩ dưỡng vui chơi hấp dẫn, với hàng loạt các hạng mục tổ hợp, như: khách sạn nghĩ dưỡng, dịch vụ du lịch trải nghiệm… thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Nhà công tử Bạc Liêu

Nhà công tử Bạc Liêu tọa lạc tại số 13 Điện Biên Phủ (phường 3, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), nằm cạnh bờ sông Bạc Liêu. Ngôi nhà mang kiến trúc phương Tây sang trọng, được xây dựng từ năm 1917, hoàn thành năm 1919. Thời điểm bấy giờ, ngôi nhà là công trình có kiến trúc bề thế nhất lục tỉnh miền Tây, thường được bà con gọi là “nhà lớn”.

Nhà công tử Bạc Liêu, mang kiến trúc phương Tây sang trọng, được xây dựng từ năm 1917, hoàn thành năm 1919

Công trình này do kỹ sư người Pháp thiết kế và nhiều chi tiết, vật liệu, đồ nội thất trong nhà được nhập khẩu từ Pháp. Do đó, khi vào nhà, du khách sẽ bị cuốn hút bởi những đường nét thiết kế tỉ mỉ, tinh tế, toát lên vẻ sang trọng và hào hoa, gắn liền với giai thoại Công tử Bạc Liêu Ba Huy (Trần Trinh Huy), nổi danh ăn chơi nức tiếng một thời.

Ngoài ra, Bạc Liêu còn có một số địa điểm hấp dẫn khác, như:

Quán âm Phật đài (Mẹ Nam Hải) tọa lạc tại phường Nhà Mát, cách trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng 7km. Tại đây từ 23-3 đến 25-3 âm lịch sẽ diễn ra lễ hội “Quán Âm Nam Hải” với nhiều nghi lễ truyền thống, như: Lễ cầu quốc thái dân an, Phật tử dâng hương cầu an, tế anh hùng tử sĩ, thỉnh thánh, thuyết pháp…

Quảng trường Hùng Vương nằm ngay trung tâm TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu

Quảng trường Hùng Vương nằm ngay trung tâm TP Bạc Liêu, công trình khánh thành đưa vào hoạt động từ năm 2014 để chào mừng Festival Đờn ca tài tử lần thứ nhất do tỉnh Bạc Liêu đăng cai. Quảng trường chiều dài hơn 360m, rộng hơn 110m; toàn bộ sân được lát bằng đá tự nhiên màu xám nhạt xen kẽ xám đậm trông như những nốt nhạc rất sinh động.

Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia Nọc Nạng tọa lạc tại ấp 4 xã Phong Thạnh A, thị xã Giá Rai. Đây là nơi ghi dấu ấn lịch sử đầy máu và nước mắt trong cuộc đấu tranh kiên cường của đại gia đình nông dân Mười Chức năm 1928, gây tiếng vang lớn khắp vùng Giá Rai Bạc Liêu.

Michio Travel

5 món đồ không nên để trong hành lý ký gửi khi đi máy bay

0

Mặc dù một số hãng hàng không cho phép cất pin dự phòng với giới hạn mức năng lượng nhất định ở hành lý ký gửi, nhưng tốt nhất hành khách nên mang theo bộ phận này trong hành lý xách tay để tránh sự cố nhân viên mặt đất yêu cầu loại bỏ.

Pin dự phòng và bộ sạc

Hầu hết nhân viên mặt đất sẽ hỏi hành khách có mang theo bộ sạc hoặc pin dự phòng trong hành lý ký gửi hay không. Bất kỳ vật dụng nào chứa pin lithium-ion đều có nguy cơ cháy nổ.

Lưu ý, thuốc lá điện tử có pin lithium-ion nhỏ nên cũng không được phép. Đồng thời, các thiết bị có pin khô chỉ được phép mang theo trong hành lý xách tay.

Thiết bị điện tử

Như đã đề cập ở trên, các thiết bị điện tử như điện thoại di động, máy tính xách tay và máy tính bảng, máy ảnh và thậm chí cả túi hoặc cặp thông minh có hệ thống báo động tích hợp đều chứa pin lithium-ion, có thể gây hỏa hoạn trong quá trình vận chuyển. Cùng với đó, tất cả hành lý ký gửi sẽ được để chồng chất lên nhau. Trong khi đó, thiết bị điện tử dễ bị trầy xước, móp méo nếu không được đóng gói cẩn thận.

Thuốc cần thiết

Theo các tiếp viên hàng không, những loại thuốc như chống đột quỵ, ổn định huyết áp giúp đảm bảo thể trạng của hành khách luôn được coi là “vật bất ly thân”. Việc để thuốc trong hành lý xách tay giúp du khách dễ dàng sử dụng khi cần thiết.

Ngoài ra, hành lý ký gửi đôi khi có thể bị thất lạc trong quá trình vận chuyển như đến nhầm sân bay. Do đó, chắc chắn mọi người không muốn bị chậm trễ khi mất thêm thời gian để tìm lại.

Các mặt hàng dễ cháy

Những vật dụng dễ cháy nổ như các loại bình xịt, nhiên liệu, chất lỏng và diêm đều không được phép cất trong hành lý ký gửi. Trong khi đó, một số đồ dùng này có thể mang trong hành lý xách tay của du khách. Vì vậy, hãy kiểm tra kỹ hướng dẫn của hãng hàng không để nắm rõ thông tin cụ thể.

Đồ vật có giá trị cao như đá quý và tiền mặt

Hành lý ký gửi sẽ được vận chuyển an toàn nhưng tốt hơn hết du khách nên cẩn thận hơn với đồ trang sức đắt tiền hoặc tiền mặt. Điển hình, hành lý ký gửi có thể bị thất lạc và đến tay du khách muộn hơn dự kiến. Do đó, sẽ yên tâm hơn rất nhiều khi hành khách luôn mang bên mình tất cả đồ giá trị cao.

Michio Travel

Đèo Prenn sắp lưu thông đoạn từ thác Datanla đến bến xe Đà Lạt

0

Đèo Prenn dài gần 7,4 km cùng với đèo Mimosa và đèo vào hồ Tuyền Lâm là các cung đường nối Quốc lộ 20, cao tốc Liên Khương tạo thành trục giao thông chính từ TP Đà Lạt đi Đức Trọng, Đơn Dương, xa hơn nữa là TP Bảo Lộc, các huyện phía Nam của tỉnh Lâm Đồng và vùng trọng điểm kinh tế Đông Nam Bộ. Trong ảnh là đoạn đầu đèo Prenn gần bến xe liên tỉnh Đà Lạt, theo đường 3 Tháng 4 sẽ vào trung tâm thành phố.

Trước khi mở rộng, đèo Prenn chỉ rộng khoảng 7 m, nhiều thời điểm xảy ra ùn tắc giao thông, đặc biệt trong các dịp lễ tết. Tháng 2-2023, tỉnh Lâm Đồng khởi công mở rộng cung đèo từ 2 làn thành 4 làn xe, mặt đường mở rộng hơn gấp đôi từ 7 m lên 14,5 m.

Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 553 tỉ đồng do Ban quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư, liên danh Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) – c (DCC) là đơn vị trúng thầu thi công. Đèo Prenn cũng là hướng chính kết nối nhiều khu du lịch lớn như thác Datanla và Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm.

Sau 8 tháng thi công, hình hài cung đèo đã hiện hữu rõ nét.Trong đó, đoạn dài khoảng 3 km từ khu du lịch Datanla – đường vào hồ Tuyền Lâm đến bến xe liên tỉnh Đà Lạt đạt đạt khoảng 95% tiến độ. Việc mở rộng cũng sẽ xử lý những khúc cua gấp, hiểm trở trước đây để giao thông an toàn hơn.

Nhóm công nhân đang thi công ở đoạn đèo gần khu du lịch cáp treo Đà Lạt. Ông Trần Văn Hiệp, Phó giám đốc Ban quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng, cho biết dự kiến đoạn 3 km này có thể hoàn thành và đưa vào lưu thông vào cuối tháng 10-2023.

Một đoạn đèo Prenn đã hoàn tất mở rộng, trải nhựa và thi công taluy dương. Theo ông Hiệp, thời gian qua tỉnh Lâm Đồng mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án này. Hiện nay tranh thủ thời gian nắng đẹp, đơn vị nhà thầu triển khai nhiều mũi thi công dự án, đặc biệt là đoạn 3 km nêu trên.

Một trong những đoạn cua trên đèo Prenn gần hoàn tất nâng cấp mở rộng nhìn từ rừng thông bên cạnh. Đoạn vài trăm mét từ đường vào khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm đến khu du lịch thác Datanla đã hoàn tất mở rộng, thảm nhựa để phục vụ du lịch.

Hình ảnh uốn lượn của đèo Prenn qua rừng thông và núi sau khi được mở rộng. Những tháng mùa mưa, dự án cũng bị ảnh hưởng vì tình hình sạt trượt vì địa hình cung đèo hiểm trở, độ dốc cao.

Trong khi đó, đoạn hơn 4 km từ khu du lịch thác Datanla đến cao tốc Liên Khương đang được triển khai nhiều công tác cùng lúc như mở rộng nền đường, thảm nhựa, xây dựng taluy…

Thời gian đóng đèo Prenn, đèo Mimosa (con đường phía trên ảnh) là hướng lưu thông thay thế chính cho việc lên Đà Lạt từ hướng Đức Trọng. Nhiều đoạn đã hoàn tất mở rộng, san lấp nền đường. Theo ông Trần Văn Hiệp, đến nay toàn bộ dự án đạt khoảng 50% khối lượng hợp đồng.

Một số đoạn khác đang được vạt mái núi chuẩn bị xây dựng taluy. Theo đơn vị thi công, hiện nay toàn bộ dự án đang huy động hơn 300 nhân công, 130 máy móc thiết bị, 5 mũi thi công, tổ chức thi công 3 ca liên tục.

Ban quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng khẳng định dự án vẫn đang đảm bảo tiến độ và sẽ hoàn thành vào cuối năm nay như kế hoạch đề ra.

Michio Travel

Những cung đường trekking nổi tiếng ở khu vực phía Bắc nước ta

1

Ở khu vực phía Bắc nước ta, nhiều phượt thủ nhận định ngoài đoạn đường chinh phục đỉnh Fansipan, du khách nên trải nghiệm các cung trekking dưới đây bởi độ thử thách và quang cảnh hùng vĩ.

Bạch Mộc Lương Tử

Bạch Mộc Lương Tử còn có tên gọi khác là Kỳ Quan San, nằm ở giữa ranh giới 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Địa điểm này sở hữu hữu độ cao 3.046m so với mực nước biển, nằm trong top 4 đỉnh núi cao nhất Việt Nam.

Quãng đường từ chân núi lên đỉnh Bạch Mộng Lương Tử dài khoảng 30km

Quãng đường từ chân núi lên đỉnh dài khoảng 30km. Du khách sẽ phải thử thách với khá nhiều địa hình khác nhau như rừng gỗ lớn, rừng tre nứa, đồi trúc hay vách đá cheo leo toàn rêu phủ. Thời điểm lý tưởng nhất để chinh phục Bạch Mộc Lương Tử là khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 4 năm sau.

Vách Đá Trắng

Cung đường Vách Đá Trắng dài 5km có xuất phát điểm từ xã Pải Lủng và kết thúc tại xã Pả Vi, thuộc huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, nằm bên trên đèo Mã Pì Lèng. Đáng chú ý, sau thời gian đi bộ mỏi mệt, du khách còn được trải nghiệm cắm trại qua đêm tại vách đá. Địa điểm cắm trại là một bãi đất được xếp đá san bằng, tương truyền nơi đây từng là nơi nghỉ chân của vua Mèo khi đi qua đèo Mã Pì Lèng.

Cắm trại tại Vách Đá Trắng

Tây Côn Lĩnh

Cung trekking này bắt đầu hoạt động từ năm 2018, còn khá mới mẻ đối với nhiều du khách. Tây Côn Lĩnh là ngọn núi phía Tây của tỉnh Hà Giang, trải dài từ Hoàng Su Phì cho đến Vị Xuyên. Đỉnh Tây Côn Lĩnh được mệnh danh là “nóc nhà của vùng Đông Bắc”, với độ cao 2427m so với mực nước biển.

Khám phá rừng nguyên sinh ở Tây Công Lĩnh

Để chinh phục cung đường này, du khách phải vượt qua những khu rừng nguyên sinh kỳ bí. Nơi đây có thảm thực vật rất phong phú và đa dạng với nhiều loại cây nhiệt đới, cây cổ thụ sừng sững, xen lẫn với nhiều loại lá cây thân thảo, cây lau tạo nên một cảnh quan vừa hùng vĩ thơ mộng.

Tà Xùa

Tà Xùa là dãy núi kéo dài nối liền 2 tỉnh Sơn La và Yên Bái. Khu vực này gắn liền với lối đi nhỏ, mệnh danh “sống lưng khủng long” vô cùng hiểm trở. Đoạn đường này nối liền hai đỉnh cao nhất thuộc dãy Tà Xùa, chỉ vừa 1 người đi, 2 bên là vực sâu. Điều đó khiến du khách cảm giác như đang lơ lửng giữa trời, bao phủ bởi “biển mây” bồng bềnh.

Đoạn đường “sống lưng khủng long” tại Tà Xùa

Pusilung

Pusilung nằm ở xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Ngọn núi này cao thứ 2 Việt Nam, chỉ sau Fansipan. Nằm ngay sát đường biên giới Việt-Trung, địa hình nơi đây được những người trải nghiệm đánh giá cực phức tạp và có quãng đường dài.

Nhiều phượt thủ không thể vượt qua cung đường Pusilung hiểm trở

Với độ dài trên 60km toàn bộ là đồi dốc lên xuống, Pusilung có thể làm nản lòng bất kỳ du khách nào. Đoạn đường này dài tới nỗi khiến nhiều người đã phải bỏ dở chặng đường vì quá mệt và mất kiên nhẫn với những con dốc kéo dài vô tận. Đường chinh phục Pusilung là sự kết hợp của rừng già, đồi cỏ rậm rạp, băng qua nhiều suối lớn trong suốt chuyến hành trình.

Michio Travel

- Advertisement -

POPULAR ARTICLES