Cây cầu Ông Lãnh bắc qua rạch Bến Nghé, nối quận 1 và quận 4. Cầu Ông Lãnh cũng là tên khu chợ đầu mối trái cây, thủy hải sản lớn nhất thành phố từng nằm bên rạch Bến Nghé, gần chân cầu. Chợ này tồn tại hơn một thế kỷ và bị giải tỏa, di dời cách đây 20 năm để cải tạo rạch Bến Nghé và xây dựng đại lộ Võ Văn Kiệt.
Ông Lãnh là ai?
Có ý kiến cho rằng cầu Ông Lãnh có tên này vì nằm gần nhà ông lãnh sự Nguyễn Thành Ý. Giả thuyết của học giả Trương Vĩnh Ký được nhiều người đánh giá là thuyết phục hơn: “Chiếc cầu gỗ do ông lãnh binh ở gần đó cho bắc qua, chắc là ông Lãnh binh Thăng, chớ không phải ai khác”.
Lãnh binh Thăng là Nguyễn Ngọc Thăng, võ tướng nhà Nguyễn, thuộc thế hệ tham gia chiến đấu chống Pháp đầu tiên của Bến Tre và Nam Kỳ. Ông sinh năm 1798 tại nơi mà ngày nay là xã Mỹ Thạnh, Giồng Trôm, Bến Tre, xuất thân trong một gia đình nông dân khá giả, từ nhỏ đã ham học, thông minh và có thiên hướng võ nghệ. Lớn lên, ông đăng lính và được thăng chức lãnh binh vào năm 1848 dưới thời vua Tự Đức.
Năm 1862, sau khi ký hòa ước nhượng 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và đảo Côn Lôn cho Pháp, vua Tự Đức xuống chiếu bãi binh, nhưng Quản cơ Gò Công là Trương Định không chịu rút quân, nhượng đất mà tiếp tục chồng Pháp. Lãnh binh Thăng cũng hợp quân về đây chiến đấu dưới quyền Trương Định.
Hai năm sau, Trương Định mất, Lãnh binh Thăng vẫn cùng với nghĩa quân vẫn quyết tâm kháng Pháp. Ngày 27/6/1866, khi đang chỉ huy nghĩa quân đánh giặc ở hữu ngạn sông Soài Rạp, ông bị trúng đạn, qua đời. Lợi dụng đêm tối, các thuộc hạ trung thành dùng ghe đưa thi hài về an táng ở quê nhà.
Người ta cho rằng, cầu Ông Lãnh được Lãnh binh Thăng cho xây dựng khi đang đóng quân ở đồn Cây Mai-Thủ Thiêm. Ban đầu, cầu làm bằng gỗ, đến năm 1929 thì người Pháp cho xây lại bằng xi măng.
Giả thuyết về 5 bà vợ của ông Lãnh
Người Sài Gòn không ai không biết các chợ Bà Chiểu, Bà Hạt, Bà Điểm, Bà Quẹo, Bà Hom. Học giả Trương Vĩnh Ký cho rằng, 5 người phụ nữ được lấy tên đặt cho các chợ này chính là 5 người vợ của ông Lãnh binh Thăng. Theo đó, ông đã lập 5 chợ ở các khu vực khác nhau, giao cho mỗi bà vợ cai quản một chợ. Đây vừa là cách phát triển kinh tế vừa để các bà vợ tránh đụng mặt nhau, cũng không gây chuyện vì bận cai quản việc làm ăn.
Tuy nhiên, học giả Vương Hồng Sển trong cuốn “Sài Gòn năm xưa”, cho rằng nên thận trọng khi cho rằng bà Chiểu, bà Điểm, bà Hom, bà Hạt, bà Quẹo là vợ ông Lãnh. Các bà Hạt, Điểm, Chiểu có thể là người đầu tiên buôn bán tại các chợ này nên được lấy tên đặt cho chợ (tương tự chợ Bà Hoa ở quận Tân Bình lấy tên người hiến đất lập chợ và là người đầu tiên buôn bán ở đây).
Có ý kiến cho rằng Bà Hom là cách đọc chệch của “Bàu Hom” (bàu ngâm hom tre), Bà Quẹo được đọc chệch từ Bờ Quẹo hoặc Bàu Quẹo vì khu này có một khúc quẹo rất rõ.
Những ngày trung tuần tháng 10, Đà Lạt không chỉ có mùa hồng chín rộ, lúc lỉu trên cành mà còn có cả sự thơ mộng và lãng mạn của mùa hoa sim tím. Dưới những tia nắng của Đà Lạt, sắc tím của hoa sim lung linh như viên ngọc, lấp lánh giữa thiên nhiên hùng vĩ. Những cánh sim nở rộ, chen nhau khoe sắc trên những tán cây, rực rỡ khắp sườn đồi xanh mát, tạo nên khung cảnh làm say đắm biết bao du khách.
Sam Sam, một nhiếp ảnh gia ở Đà Lạt cho biết, dạo bước trong “bầu trời sim tím”, anh thấy nhẹ nhàng và thư thái, có chút man mác buồn mỗi khi gió thổi nhẹ qua. “Tiếng chim hót líu lo, hương hoa dịu dàng, khí hậu mát mẻ, trong lành khiến du khách đến đây như lạc vào một thế giới cổ tích, tách biệt khỏi lo toan thường nhật”, anh Sam nói.
Được biết, mỗi năm, hoa sim nở từ 2 – 3 đợt, thường đợt 1 sẽ vào độ tháng 3, tháng 4 và đợt 2 vào tháng 10, tháng 11. Những bông hoa sim “cùng nhau” nhuộm tím nhiều con đường, góc vườn nhà, công viên hay cả quả đồi rộng lớn.
Cây sim thường mọc thành bụi, cao khoảng 0,8 – 1,2m. Loài cây ưa sáng này có thể dễ dàng phát triển ở mọi nơi. Mùa hoa nở, cánh hoa sim tím nổi bật giữa những tán lá xanh mơn mởn. Cánh hoa mềm, mỏng, rung rinh trong gió, cảm giác như chúng có thể dễ dàng bị cuốn đi. Trời càng nắng, sắc tím của hoa sim lại càng rực rỡ. Dưới trời mưa, loài hoa này tạo nên cảnh sắc man mác buồn.
Hoa sim không chỉ mọc ven đường, mà còn trồng trong các khu du lịch, quán cà phê. Thời điểm này, con đường hoa ở Đồi Mây Đà Lạt đặc biệt hút khách. Du khách cũng có thể ngắm hoa sim ở ven hồ Tuyền Lâm, Cầu Đất…
Du khách đứng từ trên cao nhìn xuống sẽ cảm nhận được sự hài hòa giữa màu tím dịu nhẹ của hoa sim và sự mơ màng của mây trắng, tất cả tạo nên một hình ảnh đầy ấn tượng, đẹp đến nao lòng.
“Thời gian này du khách có thể chiêm ngưỡng hoa sim tím ở rất nhiều nơi tại Đà Lạt. Khí trời mát mẻ rất phù hợp để các bạn trẻ, cặp đôi tham quan, lưu giữ kỷ niệm trước cảnh sắc lãng mạn và nên thơ”, Hồng Anh, một bạn trẻ đến du lịch tại Đà Lạt chia sẻ.
Đèo Khánh Lê là con đèo nối đoạn cuối tỉnh lộ 723 tại huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, với tỉnh lộ 652 tại huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa. Do đó, đây cũng là đường nối liền hai TP du lịch nổi tiếng của Việt Nam là Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), còn được gọi là “con đường nối biển và hoa”.
Đèo Khánh Lê uốn lượn từ thung lũng Khánh Vĩnh, băng ngang qua cao nguyên Di Linh lên cao nguyên Lâm Viên. Từ Nha Trang đến Đà Lạt, so với quãng đường qua đèo Ngoạn Mục (Ninh Thuận), đi qua đèo Khánh Lê giúp du khách rút ngắn quãng đường từ 220 km xuống còn khoảng 140 km.
Đèo Khánh Lê dài 33 km, là sườn đông của dãy Trường Sơn Nam. Phần lớn đường đèo nằm trên địa phận tỉnh Khánh Hòa, đi từ độ cao khoảng 200 m đến 1.700 m so với mực nước biển. Bắt đầu từ địa phận tỉnh Lâm Đồng, đèo có độ thoải từ 1.700 m xuống 1.500 m. Đèo còn được gọi với nhiều tên khác như đèo Bi Đoup, theo tên đỉnh núi Bi Đoup mà con đèo cắt ngang gần đó hoặc đèo Hòn Giao theo tên dãy núi Hòn Giao nằm ở phía bắc con đèo.
Trải nghiệm vượt đèo vào đầu tháng 10, Nguyễn Đình Hoàng Khánh (29 tuổi, TP HCM) cho biết đèo Khánh Lê mang đến sự phấn khích nhưng không kém phần nguy hiểm cho các phượt thủ. Đèo có độ dốc lớn, uốn lượn với nhiều khúc cua tay áo, kết hợp với sương mù và vực thẳm một bên, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và kỹ năng xử lý tình huống.
Đèo Khánh Lê là nơi giao thoa giữa hai vùng khí hậu. Khánh Vĩnh mang khí hậu khô hanh, nắng nóng, trong khi Lạc Dương mang đặc trưng của vùng cao, khí hậu ôn đới, mát mẻ quanh năm. Cùng với sự chênh lệch độ cao hơn 1.000 m, cảnh quan và thời tiết đặc biệt.
Vào mùa hè, thời tiết tại Nha Trang và Đà Lạt khô ráo nhưng tại khu vực này vẫn có thể xảy ra mưa lớn. Vào mùa thu và mùa đông, sương mù dày đặc thường xuất hiện trên đèo Khánh Lê vào khoảng 2 giờ chiều trở đi. “Đèo Khánh Lê có điểm tương đồng với đèo Hải Vân, khi chỉ cần đi qua đèo, thời tiết tại Đà Nẵng và Huế có thể sẽ có sự khác biệt rõ rệt”, Khánh chia sẻ.
Đã có nhiều lần đi qua đèo, Khánh cho biết mỗi lần đi lại gặp một kiểu thời tiết khác nhau. Lần này anh may mắn đi vào thời điểm trời quang mây tạnh. Trước đây, khi khi đưa bố mẹ từ Đà Lạt xuống Nha Trang, anh gặp mưa lớn và sương mù dày đặc, gần như che khuất hoàn toàn tầm nhìn phía trước. “Tôi phải lái thật chậm và dựa theo vạch kẻ đường phản quang để điều khiển xe. Vì chở bố mẹ nên căng thẳng gấp đôi”, anh nói.
Khánh ngồi xe limousine từ Nha Trang lên Đà Lạt qua đèo Khánh Lê nhưng có cảm giác “hồi hộp và kịch tính như ngồi trên tàu lượn siêu tốc”. Có thể do đã quen đường, thuộc từng khúc cua nên lái xe lái khá nhanh, khiến anh lo sợ. Nguy hiểm là vậy nhưng đèo Khánh Lê cũng mang đến cho các phượt thủ, du khách cảm giác đang đi giữa nơi giao thoa của đất trời. Con đèo nằm giữa núi đồi trùng điệp, xuyên qua không gian thiên nhiên rộng lớn. Bên đường đôi khi sẽ xuất hiện những dòng thác trắng xóa, khe nước chảy từ trong núi ra, mang đến sự thi vị, trữ tình.
default
Mưa và sương mù là “đặc sản” của đèo Khánh Lê. Trong những trận mưa lớn, con đèo thường gặp tình trạng sạt lở và ùn tắc giao thông, tăng thêm độ nguy hiểm. Vì khó có thể dự đoán thời tiết trên đỉnh đèo, du khách nên chuẩn bị sẵn áo mưa khi di chuyển qua đây. Đường đèo khá dài nên cần kiểm tra phương tiện, đặc biệt là phanh và bánh xe để tránh xảy ra sự cố, Khánh chia sẻ.
Cảnh quan trên đèo Khánh Lê thay đổi trên từng đoạn đường. Từ đoạn sông Cái men dọc theo QL27C ở Khánh Vĩnh, những đoạn đường uốn lượn với sương mù dày đặc trên đèo Khánh Lê, sắc hoa mai anh đào nở rộ hai bên đường ở làng K’Long K’Lanh (Lâm Đồng) rồi đến những cánh rừng thông khi sắp đến Đà Lạt. “Dù đã đi nhiều lần, tôi vẫn bị ấn tượng với cảnh sắc thiên nhiên của con đèo và mong muốn trở lại nơi này khi có cơ hội”, Khánh nói.
Tu viện Bát Nhã là một trong những điểm du lịch tâm linh ấn tượng của tỉnh Lâm Đồng. Không chỉ sở hữu kiến trúc đậm chất Á Đông đầy mê hoặc, tu viện còn nằm ở vị trí với phong cảnh hữu tình, thiên nhiên trong lành bao bọc.
Tu viện Bát Nhã Bảo Lộc là địa điểm giúp bạn quên hết những bụi trần, âu lo. Để thả hồn vào thiên nhiên trong lành, mát mẻ thoang thoảng mùi hương khói. Với tiếng chuông chùa vang vọng nơi chân núi
Tu viện Bát Nhã còn được gọi là chùa Bát Nhã Bảo Lộc. Theo tiếng Sanskrit (tiếng Ấn Độ cổ) thì Bát Nhã (Prajnâ) có nghĩa là trí tuệ. Nằm cách thị xã Bảo Lộc khoảng 15km, và cách thác Dam B’ri khoảng 2km, tu viện Bát Nhã được Thượng tọa Thích Đức Nghi thành lập vào năm 1995 với diện tích khoảng hơn 20 héc ta.
Người ngày lễ, ngày rằm, đặc biệt là đầu năm mới, du khách khắp nơi về Tu viện Bát Nhã, nơi được xem là tu viện đẹp nhất TP.Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), để đi lễ chùa, thưởng ngoạn cảnh đẹp nơi đây
Bảo tháp Quán Thế Âm được khởi công xây dựng vào đầu năm 2019, với kiến trúc bảo tháp hình tứ giác vuông cạnh, bao gồm 1 tầng trệt và 7 lầng lầu. Tháp có chiều cao 49 mét, tầng trệt có diện tích sàn khoảng 149 m2 được sử dụng làm nơi trưng bày sản phẩm truyền thống về ngành trà và trà cụ. Tầng tháp thứ 1 tôn trí Đại hồng chung đúc bằng đồng, nặng khoảng 1 tấn. Từ tầng thứ 2 đến tầng thứ 7 của ngôi bảo tháp được tôn trí thánh tượng Bồ tát Quán Thế Âm hóa thân theo các hình tượng khác nhau được tạc bằng đá Non Nước.
Bảo tháp tuyệt đẹp giữa núi rừng
Đặc biệt các vách ngăn của mỗi tầng tháp được thiết kế chia thành các 1.000 ô vuông có kích thước khoảng 35cm x 40cm, ráp kính chiếu sáng, mỗi ô tôn trí 1 tôn tượng Bồ tát Quán Thế Âm. 500 pho tượng tôn trí bên trong tháp được tạc bằng gỗ hương và 500 tôn tượng tôn trí vách ngoài tháp được tạc bằng đá hoa cương.
Những tòa nhà của Tu viện Bát Nhã nổi bật với mái ngói hai tầng cong vút khắc hình rồng công phu, hệ thống cột trụ được làm từ gỗ quý. Dù không mang vẻ đồ sộ, nguy nga nhưng chính sự hài hòa giữa những tòa kiến trúc cổ điển kết hợp với phong cảnh hữu tình, giữa rừng thông, đồi chè đã tạo nên vẻ đẹp riêng biệt của chốn tu tập linh thiêng này.
Tại chùa thường xuyên có các khóa tu dành cho trẻ em
Đi lên chùa, du khách sẽ được bước qua con đường đầy chất thơ của bậc thang trải dài với những đồi chè xanh mướt trải dọc hai bên lối đi, đặc biệt là hàng phượng vàng được trồng tại đây. Sau khi ngồi thiền, tụng kinh sáng thì các tu sinh được hướng dẫn đi thiền hành quanh tu viện. Dùng bữa sáng xong thì tập trung về thiền đường để làm lễ, cùng nhau nghe pháp thoại.
Tu viện Bát Nhã Bảo Lộc nằm cách trung tâm thành phố khoảng 17km. Cung đường di chuyển đến tu viện khá dễ. Nếu xuất phát từ thành phố Bảo Lộc bạn có thể đi theo hướng thác Đambri khoảng 17km. Sau đó nhìn về phía trái là thấy ngay tu viện.
Tu viện Bát Nhã Bảo Lộc là nơi cửa Phật bình yên, thanh tịnh. Chính vì vậy nơi đây sẽ không thu bất cứ khoản chi phí nào khi du khách tham quan tu viện. Bạn chỉ cần mang đến đây một tấm lòng thành kính để cầu mong bình an, sự thanh tịnh. Để lòng luôn cảm thấy yên bình.
Vào những buổi sáng sớm du khách có thể tham gia những buổi thiền cùng với các sư thầy và tăng ni tại tu viện. Không khí trong lành, cảnh sắc tươi đẹp sẽ mang đến cho bạn những phút giây thư giãn, yên bình và dễ chịu nhất.
Tu viện nằm ngay tại vị trí trung tâm của núi nên vào những buổi sáng sớm sương dày đặc, những lá cây đung đưa trước sương làm cho bầu không khí bừng sáng và trong trẻo hơn.
Xe UAZ (U Oát) được nhiều du khách đến Đà Lạt lựa chọn trải nghiệm tham quan địa hình bởi sự độc đáo, tuy nhiên dịch vụ này cũng tiềm ẩn một số nguy cơ mất an toàn. Là loại phương tiện khá phổ biến với du khách quốc tế lẫn nội địa. Loại xe này có thể chạy tốt ở nhiều dạng địa hình từ thành thị tới miền núi. Du khách có thể tìm thấy những tour trải nghiệm loại xe đường trường “hầm hố” này trên đường phố Hà Nội, cung đường biển Mũi Né hay khám phá các đỉnh núi cao ở Đà Lạt.
Khách trải nghiệm xe UAZ trong làng Cù Lần
Đà Lạt sở hữu địa hình núi đồi, độ dốc cao, các địa điểm du lịch khá xa nhau nên xe UAZ trở thành phương tiện được nhiều người ưa chuộng. Loại xe đặc thù này leo dốc khỏe, bám đường chắc, băng rừng, lội suối, đi qua bãi lầy, có thể đi trên địa hình gồ ghề mà những loại ôtô thông thường không đảm bảo. Ngoài ra, để phục vụ du lịch, những chiếc xe này thường là được tháo mui xe hoặc hạ hết kính xe để du khách cảm nhận nắng gió cao nguyên.
Nếu muốn thưởng thức trọn vẹn cảm giác ngồi xe U Oát, du khách thường chọn ngồi ghế cạnh bác tài. Khi ngồi ghế đầu, bạn sẽ cảm thấy được nước bắn vào mặt, chạm tay lá cây, đôi khi như “muốn văng khỏi xe” khi xe đi vào chỗ gập ghềnh, ổ voi hay có những lúc xe đi nghiêng ngả như thể chạm tay được xuống đất. Một số chặng đường thường sử dụng xe UAZ ở Đà Lạt là đường lên đỉnh Lang Biang hoặc làng Cù Lần.
Làng Cù Lần cũng là một lựa chọn cho những người thích trải nghiệm loại xe này. Ngôi làng nằm dưới chân núi Lang Biang (Đà Lạt), cách Hồ Xuân Hương và Đồi Cù 20 km. Làng rộng khoảng 30 ha, là nơi sinh sống của người dân K’ho. Muốn vào làng, du khách sẽ phải đi qua hai cây cầu treo bắc ngang dòng suối nhỏ. Đây là địa điểm mà mọi du khách đều dừng lại để check-in. Nếu muốn thử cảm giác mạnh thì bạn có thể thuê xe U Oát đi qua suối có giá 100.000 đồng mỗi khách hoặc mua tour khám phá rừng nguyên sinh ở làng Cù Lần có giá 150.000 đồng một người. Các xe xuất phát nối tiếp nhau sau chừng vài phút, mỗi xe chở 4 khách.
Khi đặt tour này, du khách sẽ được di chuyển xuyên qua con đường đất đỏ gồ ghề quanh làng. Xe đưa khách vượt đồi, lội suối, băng qua cánh rừng nguyên sinh hoang dã và trải nghiệm cảm giác mạo hiểm. Cuộc hành trình dài khoảng hơn 8 km, gấp ba lần tour xe U Oát bình thường. Ngoài ra, khu du lịch này còn cung cấp dịch vụ chụp ảnh nhưng với mức phí khá cao, khoảng 100.000 đồng một ảnh.
Một xe UAZ băng qua suối cạn
Làng Cù Lần mang nét bình dị, mộc mạc, hoang sơ với những mảng màu xanh mướt. Tại đây, khách du lịch chủ yếu tham gia các hoạt động ngoài trời, hòa mình với thiên nhiên hay tham gia các hoạt động teambuilding như: thả diều, săn gà rừng, bắt cá suối, leo núi, chèo bè, cưỡi ngựa, đốt lửa trại, bắn cung, thuê trang phục dân tộc để chụp ảnh. Giá vé tham quan là 100.000 đồng, các trải nghiệm còn lại có giá từ 50.000 đồng tới 200.000 đồng một người. Sau khi dành cả ngày vui chơi ở đây vẫn chưa đủ, du khách có thể nghỉ lại qua đêm trong những căn nhà gỗ giữa rừng hoặc cắm trại ở khoảng sân rộng trong làng.
Tuy nhiên, sau tai nạn lũ cuốn khiến 4 du khách Hàn Quốc thiệt mạng chiều 24/10, khu du lịch này đã tạm dừng hoạt động. Trước đó, chiều 24/10, anh Võ Lê Thái (29 tuổi) nhân viên khu du lịch lái xe UAZ chở 4 khách Hàn Quốc (hai nam, hai nữ) tham quan dọc suối cạn thì gặp lũ quét từ thượng nguồn đổ về, cuốn ôtô lật úp. Tài xế thoát được ra ngoài nhưng 4 du khách Hàn Quốc đều tử vong. Con suối nơi xe gặp nạn nằm ở thung lũng, phía trên là đồi cây, nước sâu 30-40 cm.
Khung cảnh nên thơ ở Làng Cù Lần
Ngoài làng Cù Lần, du khách tới Đà Lạt còn thường trải nghiệm dịch vụ xe U Oát lên đỉnh Lang Biang – nóc nhà của cao nguyên Lâm Viên. Nơi này được cấu tạo bởi nhiều đỉnh núi khác nhau, trong đó có ba đỉnh cao nhất là núi Ông có độ cao 2.124m, núi Bà cao 2.167m, đỉnh Rađa cao 1.929m. Để lên đỉnh núi, du khách thường leo bộ hoặc mua vé đi xe UAZ.
Quãng đường từ cổng khu du lịch lên đỉnh núi khoảng ba km nên xe UAZ là phương tiện được nhiều người lựa chọn khi không muốn mất nhiều sức leo núi. Những chiếc xe vi vu qua những tán rừng thông, băng qua dòng suối, con đường mòn gập ghềnh. Chi phí thuê xe khoảng 120.000 đồng/người, xe chở tối thiểu 5 người, thời gian di chuyển chỉ khoảng 15 phút và đây là giá vé khứ hồi.
Một số lưu ý khi đi du lịch bằng xe UAZ:
– Bạn nên chủ động xem thời tiết, tránh đi vào mùa mưa bão, dễ gặp những tai nạn bất ngờ như lũ cuốn, sạt lở đất. Thời điểm này Đà Lạt vẫn đang trong mùa mưa, nhiều nơi mưa lâu này, nền đất yếu, dễ xảy ra tình trạng nguy hiểm. Ngay cả khi trời không mưa, bạn cũng cần cẩn trọng, không đi xe qua lòng suối vì có thể xuất hiện lũ do mưa ở thượng nguồn. Tốt nhất chỉ nên đi vào những ngày nắng ráo, thời tiết thuận lợi.
– Trước khi khởi hành, nên yêu cầu đơn vị bán tour hoặc lái xe kiểm tra lại một lần nữa về tình hình thời tiết vào thời điểm đó. Đồng thời, lựa chọn lái xe có kinh nghiệm, quen thuộc địa hình.
– Dù đây là loại trải nghiệm mạo hiểm, khi ngồi trên xe, bạn vẫn cần đảm bảo các nguyên tắc an toàn, không làm các động tác nguy hiểm khi xe đang di chuyển hay mang vác các thiết bị quay phim, chụp hình cồng kềnh lên xe.
– Xe UAZ thường tháo mui nên bạn cần chuẩn bị đầy đủ áo chống nắng, bôi kem chống nắng và đeo kính râm để tránh bỏng rát.
Nằm trên dòng sông Hậu, giữa hai bờ Long Xuyên và Chợ Mới là cù lao Ông Hổ, bốn mùa lúa rập rờn xanh tốt, cây trái trĩu cành, không gian thoáng đãng – yên ắng – hiền hòa và chính nơi đây đã sinh ra người cộng sản trung kiên, nhà lãnh đạo kiệt xuất, người con ưu tú của quê hương: Chủ tịch Tôn Đức Thắng…
Ðền thờ bác Tôn
Dù có địa danh hành chính là xã Mỹ Hòa Hưng, nhưng tên gọi Cù lao ông Hổ được người dân trong và ngoài tỉnh biết đến nhiều hơn. Gắn liền với địa danh này là những câu chuyện xưa kể về nghĩa tình giữa người và hổ, được bà con địa phương lưu giữ và truyền miệng cho đến nay…
Đường tới Cù Lao Ông Hổ
Để tham quan du lịch cù lao ông Hổ, bạn có thể đi xe máy và qua phà Ô Môi, hoặc thuê thuyền đi chừng 30 phút là cập bến ốc đảo. Cả bến thuyền và phà đều nằm kề chợ Long Xuyên. Cù lao Ông Hổ hiện ra xanh ngát với những hàng tre và cây ăn trái, liền kề đó là những mái nhà giản dị, yên bình.
Bến phà Ô Môi (bờ Mỹ Hòa Hưng)
Sự tích về tên gọi cù lao Ông Hổ
Từ dưới bến phà vào cù lao đã thấy hai bức tượng hổ to lớn được tạc bằng đá uy nghi đứng trấn cổng vào. Đó là biểu tượng của vùng đất này từ 300 năm qua. Theo nhiều bậc cao niên địa phương, thuở xưa, vùng đất này được phù sa bồi đắp, nổi lên giữa dòng sông Hậu, cây cối rậm rạp hoang sơ, không người lui tới. Đến thời khai hoang, sau những người đi tiên phong, người dân bắt đầu đến đây dựng nhà, lập làng, làm ăn và sinh sống cho đến ngày nay.
Chiếc cổng có hình hai chú hổ biểu trượng của xứ cù lao
Gắn liền với địa danh ông Hổ có rất nhiều truyền thuyết để giải thích tên gọi này. Một trong những truyền thuyết được người dân thống nhất cao là xưa kia có vợ, chồng ông lão chèo xuồng đi bắt cá, lượm củi thì thấy bám trên mảng lục bình trôi trên sông có 1 con vật giống như mèo. Nhưng khi đến gần, không phải mèo mà là 1 con hổ con vừa đói, vừa rét, thấy thương nên ông, bà đem về chăm sóc, nuôi dưỡng. Con hổ dần lớn lên trong tình thương đó nên rất hiền lành, không phá phách. Thời gian sau, ông, bà tuổi cao sức yếu nên qua đời, lúc này người dân đến đây sinh sống nhiều nên hổ rút sâu vào rừng. Tuy nhiên, chú hổ này vẫn nhớ công chăm sóc của ông bà lão.
Hàng năm, tới ngày giỗ của ân nhân, hổ đều mang về 1 con heo rừng hoặc nai rừng đặt bên mộ rồi đi. Lần cuối cùng, người ta thấy cọp đi quanh hai nấm mồ, nhưng đến nửa đêm thì cọp chết. Thương con vật sống có tình, dân làng chôn cất con vật giữa hai nấm mồ của ông bà lão. Từ đó, dân làng lập miếu thờ Ông Hổ và đặt tên cho cù lao này là cù lao Ông Hổ. Tên gọi cù lao ông Hổ là niềm tự hào của người dân nơi đây, bà con hay nói với nhau đó là hổ nghĩa, hổ tình, không phải hổ dữ. Nó là minh chứng cho một vùng đất cù lao với con người sống hiền hòa, chân tình, chan chứa tình yêu thương.
Các điểm tham quan tại cù lao Ông Hổ
Bao quanh cù lao là mênh mông nước với những làng bè nuôi cá, nhà hàng nổi. Trên cù lao, kênh rạch chằng chịt, đến đây bạn có thể tham quan vườn cây ăn trái trĩu quả, khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chùa Ông Hổ, các làng nghề rèn, mộc, dệt chiếu còn sót lại…
Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Đến Cù lao ông Hổ, du khách không thể không ghé thăm khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Nơi đây, trước là nhà cụ thân sinh Bác Tôn, được Bộ Văn hóa – Thể Thao – Du Lịch công nhận Di tích Lịch sử quốc gia năm 1984. Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 110 của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang đã khánh thành khu lưu niệm và đền thờ Bác với nhiều công trình mới được xây dựng trên khuôn viên 6,7 ha; năm 2012 được Chính phủ công Di tích quốc gia đặc biệt.
Khu di tích có: Nhà trưng bày giới thiệu về cuộc đời hoạt động của Bác Tôn, nhà lưu niệm thời niên thiếu, Đền tưởng niệm, Nhà trưng bày các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ, chiếc phi cơ chở Bác vào Sài Gòn để làm lễ mít tinh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, phục chế mô hình nhà lán của Bác Tôn ở ATK (Thái Nguyên), cầu treo dài 80m đón khách tham quan bằng đường sông và nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật khác. Mỗi khu có một vẻ đẹp riêng, được thiết kế lồng ghép với hệ thống công viên, những con rạch cảnh, cầu kiều, ao cá cùng với những con đường rợp bóng cây xanh đã làm cho Khu lưu niệm càng thêm gần gũi.
Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng – Di tích quốc gia đặc biệt
Nhà trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn có các hình ảnh, hiện vật, các tư liệu và phim hình sống động giúp chúng ta hiểu thêm về Bác, một tấm gương sáng của dân tộc ta về chí khí kiên cường, đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị. Trong khuôn viên khu lưu niệm còn lưu giữ nguyên trạng những hình ảnh, hiện vật gắn với thuở thiếu thời của Bác – đó là căn nhà sàn lót ván 3 gian, 2 chái lợp bằng ngói âm dương cùng với những đồ vật, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình; lũy tre xanh đầu ngõ soi bóng xuống sông Hậu theo thế “Long chầu Nguyệt”. Đã mấy trăm năm nhưng lũy tre vẫn xanh tốt; những ao cá trong vườn vẫn rực màu hoa sen, hoa súng; những vườn cây quanh năm hoa trái trĩu cành…
Cù lao Ông Hổ là vùng đất lấy chữ “Đức” làm gốc, con người sống nhân hậu, nghĩa tình, thủy chung son sắt. Thuở Bác Tôn chào đời, cụ Tôn Văn Đề – thân sinh Bác Tôn và các bậc Nho học nhận thấy cậu con trai mặt mũi khôi ngô, tuấn tú, nhân tướng toát lên vẻ thanh cao, giàu chí khí nên đã dùng chữ đệm là “Đức” trước tên là chữ “Thắng” và dự đoán: Cù lao này có long mạch, nhất định sau này cậu bé sẽ là bậc gánh trọng trách của xã tắc, non sông.
Với những truyền thuyết gắn với hiện thực về mảnh đất chôn nhau cắt rốn của Bác Tôn nên cù lao Ông Hổ từ lâu đã thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến An Giang. Tình cảm đó đã được đúc kết trong ca dao Nam bộ:
“Dù ai xuôi ngược bốn bề Chưa đến Ông Hổ chưa về An Giang”
Ngày nay, cù lao Ông Hổ đã trở thành một địa chỉ du lịch văn hóa, giáo dục truyền thống về nguồn. Cứ đến dịp lễ, Tết, đặc biệt là vào những ngày tháng Tám mùa thu, du khách khắp nơi lại nô nức xuống phà Ô Môi qua sông Hậu để đến với cù lao Ông Hổ.
Nhà cổ
Cù lao Ông Hổ có rất nhiều ngôi nhà cổ, tuổi đời cả trăm năm. Uớc tính hiện nay tại cù lao Ông Hổ còn gần 100 ngôi nhà cổ, được người dân bảo tồn nguyên vẹn. Người dân cù lao Ông Hổ không chỉ giữ cho những căn nhà cổ vững chãi dưới mưa nắng mà trăm năm trôi qua, bao chuyện đời, chuyện người gắn bó với ngôi nhà vẫn còn được lưu giữ. Căn nhà xưa nhất trên cù lao Ông Hổ là của ông Nguyễn Hữu Chí – nguyên giảng viên Đại học Cần Thơ. Nhà ông Chí được dựng từ năm Tân Hợi (1851).
Đã 166 năm trôi qua nhưng căn nhà ba gian, hai chái vẫn không có một vết mối mọt nào. Đây là một trong ba căn nhà cổ nhất ở Long Xuyên. Cột nhà được dựng từ thân cây căm xe, cà chít. Ván và đòn tay được xẻ ra từ gỗ thao lao. Gia tộc ông Nguyễn Hữu Chí cũng như nhiều gia đình trên cù lao Ông Hổ là con cháu những người lưu dân từ Quảng Bình theo Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam mở đất. Căn nhà được cụ sơ của ông Chí là Nguyễn Văn Thiển thuê thợ từ Quảng Bình vào dựng nên, ròng rã hơn một năm mới xong.
Đạp xe đi dạo quanh cù lao
Cách nhà ông Chí vài căn là nhà của ông Nguyễn Hữu Tân và bà Nguyễn Thị Bảy, đều đã hơn 80 tuổi. Ông Tân không nhớ nhà cất năm nào, chỉ biết từ đời ông nội, lúc ông lớn lên đã thấy cột mun giữa nhà bóng nhẵn. Ông Tân cho biết vì là xứ cù lao nhô lên giữa thượng nguồn sông Hậu, mỗi năm ba tháng nước dâng nên cũng như các nhà cổ khác ở đây, nhà ông được cất theo dạng nhà sàn để chống lũ.
Ngôi nhà cổ của ông Tôn Thất Đính – là cháu họ của Bác Tôn
Còn căn nhà cổ 117 năm nằm gần cầu Rạch Kít được coi là đẹp và tinh xảo nhất. Chủ nhân căn nhà – ông Tôn Thất Đính – là cháu họ của Bác Tôn. Ông Tôn Thất Đính kể căn nhà này được dựng toàn bằng gỗ căm xe, giá trị thời điểm xây dựng ngang với gần trăm mẫu ruộng. Ông Đính nói so với căn nhà của người em Tôn Văn Quý thì nhà của anh hai Tôn Văn Đề – cha bác Tôn – cất trước đó hơn chục năm đơn giản hơn, ván sàn chỉ bằng gỗ tràm và cột kèo cũng không được chạm trổ tinh xảo.
Không chỉ giữ gìn ngôi nhà, cách sắp đặt vật dụng trong nhà cổ ở cù lao Ông Hổ vẫn được giữ nguyên như thời mới cất. Nhà cổ ở đây đều có mái thấp, ai đi vào cũng phải cúi đầu để khỏi đụng, khác với nhà có mái hiên cao hơn sau này. Mỗi căn nhà là mỗi ký ức, mỗi câu chuyện đời được gia chủ giữ gìn, gửi gắm cho con cháu. Và có lẽ điều đó đã góp sức cho những căn nhà trên cù lao Ông Hổ vững chãi suốt trăm năm.
Chùa ông Hổ
Xã Mỹ Hòa Hưng được biết đến như một ngôi làng cổ xưa bởi giữ được nét quê đậm chất, có nhà cổ, cuộc sống thuần nông, bên cạnh đó điểm nhấn là những ngôi đình, chùa. Đặc biệt là Bửu Long Cổ tự mà người dân còn hay gọi với cái tên thân thuộc “Chùa ông Hổ”.
Người dân phục dựng mộ ông Hổ
Chùa ông Hổ tuy diện tích nhỏ, nằm thu mình dưới tán những cây dầu cổ thụ, nhưng bản thân mang trong mình nét cổ xưa, mặc dù đôi chỗ đường nét chưa thật sắc sảo. Đối với những người muốn tìm hiểu về văn hóa thì chùa ông Hổ sẽ là điểm dừng chân thú vị vì mọi thứ đều có giá trị: từ tượng thờ, không gian, tích xưa… Vì những nét mộc mạc đó mà người ta thấy mình như đang ở trong bối cảnh của thời trước với không gian mát mẻ, không khí trong lành, con người mộc mạc, tình nghĩa, làng quê yên bình.
Hàng năm, lễ giỗ ông Hổ được tổ chức vào ngày 28-10 (âm lịch) với sự tham gia rất đông của người dân địa phương cũng như du khách gần xa. Đây là dịp cầu mong mùa màng bội thu, dân làng khỏe mạnh, không xảy ra dịch bệnh…
Đình thần Mỹ Hòa Hưng
Đình thần Mỹ Hòa Hưng, ngôi đình làng cổ kính với nét kiến trúc xưa của đình làng Nam Bộ, xung quanh là những cây sao, dâu cổ thụ che mát làm tăng thêm vẻ thâm trầm, cổ kính cho khuôn viên quanh đình.
Đình thần Mỹ Hòa Hưng
Trong những năm 1925-1926, ngôi đình là trụ sở hoạt động bí mật của nhiều nhân sĩ, trí thức và hương chủ yêu nước ở địa phương. Năm 1943, Chi bộ xã Mỹ Hòa Hưng thành lập, lấy đình làm điểm hội họp. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Ủy ban Hành chính xã được thành lập cũng đặt trụ sở làm việc tại đình. Đến ngày 6-1-1946, ngôi đình là 1 trong 3 điểm của xã Mỹ Hòa Hưng đặt thùng phiếu bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước ta. Ngoài giá trị lịch sử lâu đời, đình thần Mỹ Hòa Hưng còn là công trình kiến trúc đẹp mang phong cách nghệ thuật của triều Nguyễn, ngôi đình được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử năm 2003.
Vườn táo hồng
Đến cù lao Ông Hổ, ngoài cảnh đẹp thiên nhiên của vùng đất cù lao giữa dòng sông Hậu, khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng in đậm công lao của người đồng chí với Bác Hồ năm xưa, du khách còn bị thu hút bởi các vườn cây ăn trái trĩu quả. Nổi bật nhất là “Vườn táo hồng” của chú Lê Văn Phước.
Vườn táo hồng
Trong vườn không chỉ có táo hồng mà còn có sơ ri, dâu tằm, ổi… và rau sạch. Ngoài việc tham quan, quý khách còn có dịp thưởng thức no say các loại trái cây đặc sản được trồng ở đây, các món ăn đồng quê dân dã và mua về làm quà.
Trải nghiệm cuộc sống của người dân xứ cù Lao
Du lịch An Giang, đến Cù lao ông Hổ ngoài tham quan các di tích, du khách có cơ hội tận hưởng được hương vị cuộc sống của vùng sông nước Nam bộ, trải nghiệm cuộc sống cùng bà con nơi đây thông qua các điểm du lịch cộng đồng. Đến đây, du khách có thể tham gia vào các hoạt động: Câu cá, câu rắn mối, vò lá sâm, nướng bánh kẹp, hái táo, sơri ….; cùng người dân địa phương tát mương bắt cá, tát đìa, dỡ chà, bẻ ấu, thả lưới, mò ốc, trồng rau, tưới rẫy…; nướng bắp, nướng khoai tại rẫy. Cùng nông dân chế biến và thưởng thức các chiến lợi phẩm…
Du khách thích thú trải nghiệm cuộc sống cùng người dân
Ngoài ra bạn có thể đạp xe tham quan cù lao, đi thuyền trên kênh rạch chiêm ngưỡng phong cảnh, hay tham quan bè cá… đây đều là những hoạt động vô cùng thú vị. Đặc biệt hiện nay trên địa bàn Cù Lao Ông Hổ đã phát triển loại hình du lịch homestay, du khách có thể ngủ lại qua đêm tại các ngôi nhà sàn truyền thống đậm chất Nam Bộ. Cùng với những hộ gia đình làm bánh dân gian, thưởng thức các món ăn đặc trưng vùng sông nước như: bánh xèo, cá lóc nướng trui, cá rô kho tộ..
Thưởng thức đặc sản cù lao
Người dân đãi khách du lịch Cù Lao Ổng Hổ các loại trái cây chín tươi ngon mới hái tại vườn, các loại nước giải khát dân dã: sương sâm – hột é – bánh lọt – nước dừa, do chính gia chủ hái lá sương sâm tại vườn nhà, vò tại chỗ nên vị tươi mát vẫn còn nguyên vẹn. Món bánh kẹp nướng cũng thật thú vị, bánh làm từ bột pha với nước cốt dừa, khi nướng rắc mè lên bánh, vị dừa béo, mùi mè thơm, nướng đến đâu, ăn đến đó, nóng hổi, giòn tan.
Trái cây tươi ngon
Những bữa cơm cho du khách cũng không thiếu đặc sản miền quê: càng cua đồng, ốc hấp sả, gà vườn hấp lá trúc, cá lóc nướng trui cuốn bánh tráng, canh chua, cá kho tộ, rau vườn… Trên cù lao, người dân trồng rất nhiều sơri nên chủ nhà thường đãi khách rượu sơri, uống cay cay, ngòn ngọt làm cho bữa ăn thêm đậm đà.
Đừng quên thưởng thức những món ăn ngon đặc sản xứ cù lao
Cù lao Ông Hổ sẽ là một trong những điểm đến thú vị của ngành du lịch An Giang, ngoài du lịch sinh thái, nơi đây còn là điểm du lịch “Về nguồn” để tìm hiểu văn hóa, lịch sử… Việc phát triển đa dạng các loại hình du lịch này sẽ góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, truyền thống đấu tranh, xây dựng của địa phương cho khách tham quan trong và ngoài nước. Trước nữa là hướng đến việc giáo dục tình yêu đất nước, dân tộc cho thế hệ trẻ.
Rừng tràm Trà Sư và khu du lịch sinh thái được hình thành năm 1983, rộng gần 850 ha nằm ở xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên. Đây là rừng ngập nước tiêu biểu của vùng sông Hậu, có tác dụng quan trọng đối với môi trường nước và điều hòa khi hậu cho cả vùng Bảy Núi. Rừng còn là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật quý thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam.
Du khách tham quan rừng bằng xuồng máy
Đến đây, điều dễ nhận thấy nhất là du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên, không chỉ bị thu hút bởi không gian xanh với rừng tràm rợp bóng, mà còn được tiếp xúc gần với hàng loạt loài chim, hay động vật hoang dã quý hiếm. Đây là nơi được phát triển để trở thành khu bảo tồn của rất nhiều lớp sinh vật nhiệt đới đang sinh sống ở vùng Tây Nam Bộ.
Phần lõi của rừng tràm Trà Sư nhìn từ trên cao
Người địa phương sẽ dùng thuyền để đưa du khách vào sâu trong rừng tràm. Ngồi trên thuyền, bạn sẽ bắt gặp những chú chim đậu ngay thân cây, nhiều loại sen đủ sắc màu. Nếu thích, du khách thể yêu cầu người lái thuyền dừng lại để cảm nhận rõ không gian tĩnh lặng và ghi dấu những khoảnh khắc của thiên nhiên.
Rừng tràm Trà Sư là bối cảnh cho bộ phim Đất rừng Phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng mới khởi chiếu tại Việt Nam.
Mùa đẹp
Mùa nước nổi, từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, được coi là thời điểm đẹp nhất để trải nghiệm vẻ đẹp rừng tràm. Nước đổ về khiến rừng cây xanh tốt, kết hợp cùng những lớp bèo phủ xanh mặt nước, tạo nên khung cảnh đẹp. Mùa nước nổi cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loài cá tôm và là điểm đến hấp dẫn cho nhiều loài chim.
Hãy dành một ngày ở rừng tràm Trà Sư để tận hưởng hết các không gian trong rừng, ăn bữa trưa với các món đặc sản miền Tây. Để thuận tiện di chuyển, du khách nên nghỉ đêm ở thành phố Châu Đốc, khởi hành đi rừng tràm vào buổi sáng, ở lại đến chiều. Rừng tràm Trà Sư nằm cách thành phố Châu Đốc khoảng 30 km, thời gian di chuyển 30 đến 40 phút bằng ôtô hoặc xe máy, đường đi thuận tiện.
Thời điểm tốt nhất trong ngày để khám phá rừng tràm là vào sáng sớm hoặc hoàng hôn. Khoảng 15-17h, các loại chim, cò tụ tập về rừng nhiều, tạo nên cảnh thiên nhiên đẹp.
Vé tham quan
Vé tham quan bao gồm toàn bộ khu rừng tràm và thưởng ngoạn cầu tre dài nhất Việt Nam: 100.000 đồng một người. Đây là vé bắt buộc vào rừng, miễn phí với trẻ em dưới 1m3 và người trên 70 tuổi.
Vé dịch vụ tàu (xuồng máy): 50.000 đồng một người
Vé dịch vụ xuồng chèo (3-4 người một xuồng): 50.000 đồng một người
Các tour và nhóm đối tác sẽ có mức giá ưu đãi riêng, liên hệ trước với khu du lịch.
Chơi gì
Cầu tre xuyên rừng tràm Trà Sư được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận dài nhất Việt Nam, với tổng chiều dài 10 km và kinh phí xây dựng trên 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cầu mới hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào hoạt động đầu năm 2020 với chiều dài gần 4 km. Đoạn cầu đã khánh thành sử dụng trên 500.000 cây tre các loại và kinh phí xây dựng hơn 5 tỷ đồng. Giai đoạn 2 với chiều dài khoảng 6 km đang được triển khai xây dựng.
Một phần cầu tre của rừng tràm nhìn từ trên cao
Dọc tuyến cầu tre được chia thành 5 nhánh có thiết kế chòi nghỉ tại mỗi nhánh. Càng đi vào sâu, khung cảnh hai bên cầu càng đẹp, không gian yên tĩnh và mát mẻ. Cầu dẫn vào bến xuồng máy, nơi du khách có thể lên xuống để thay đổi lộ trình.
Tham quan rừng bằng thuyền máy hoặc xuồng
Từ bến, du khách có thể lựa chọn xuồng máy (tắc ráng) hay thuyền ba lá. Thuyền máy sẽ đi tốc độ cao, xa hơn. Du khách sẽ trải qua một cuộc hành trình vượt qua những con rạch, chạy thẳng vào lòng rừng tràm. Dọc đường đi, có thể quan sát người dân địa phương thu hoạch mật ong hoa tràm từ các thùng nuôi được đặt trong rừng. Đây là một cơ hội để thư giãn, tận hưởng cảnh đẹp, và cuộc sống của người dân nơi đây.
Tham quan rừng tràm bằng thuyền máy hay xuồng ba lá cũng đều là cơ hội cho du khách chụp được những bức ảnh đẹp giữa không gian xanh, bèo phủ kín mặt nước. Nếu may mắn đi vào ngày có nắng, những tia nắng xuyên qua tán cây chiếu xuống sẽ khiến không gian huyền ảo.
Lầu vọng cảnh
Nếu muốn quan sát bao quát hơn về rừng tràm, du khách nên ghé lầu vọng cảnh và sử dụng kính viễn vọng. Với tầm nhìn 25 km, du khách có thể ngắm toàn bộ rừng tràm, những chú chim đang bay lượn, hay làm tổ trên các tán cây. Từ đây, cũng có thể nhìn được ngôi làng của người Khmer sinh sống cách đó vài km.
Sân chim bồ câu
Ngay gần lối vào, từ bên khu vực phòng vé chính, cách một con kênh Trà Sư, du khách có thể nhìn thấy những ngôi nhà của chim bồ câu. Nơi đây có khoảng 400 con chim được nuôi thả trong rừng nên được gọi là “Thành phố Bồ Câu”. Khung cảnh sân chim khá lãng mạn, du khách có thể chụp ảnh check in, chụp ảnh cưới, cho chim ăn và nhiều hoạt động khác.
Sân chim bồ câu trong rừng tràm
Quầy bán đồ lưu niệm
Trong rừng tràm Trà Sư có 12 quầy bán hàng lưu niệm, đặc sản địa phương như đường thốt nốt, mật ong hoa tràm, khô các loại, nước giải khát, dầu tràm, khăn dệt thổ cẩm, nón tai bèo, nón rơm, đồ gỗ mỹ nghệ…
Ăn gì
Nhà hàng Trà Sư có hai khu vực chính phục vụ ăn uống: dọc bên ngoài cửa rừng, hai bên bến tàu và khu chòi nổi trên mặt nước phía trong rừng (liền lầu vọng cảnh).
Tại các điểm ăn uống này, du khách sẽ được thưởng thức các món đặc sản miền Tây như: cá lóc nướng, lẩu cá linh điên điển (mùa nước nổi cũng là mùa cá), lẩu mắm, gỏi cổ hũ dừa, bánh xèo…
Tour tham khảo
Châu Đốc – Rừng tràm Trà Sư: 1 ngày
Núi Cấm – Rừng tràm Trà Sư – Châu Đốc: 2 ngày
Cần Thơ – làng Chăm – Rừng tràm Trà Sư: 2 ngày
TP HCM – Châu Đốc – Rừng tràm Trà Sư: 2 ngày
Lưu ý
Mùa nước nổi cũng là mùa mưa, nên du khách lưu ý mang theo áo mưa hay ô đề phòng những cơn mưa bất chợt.
Sử dụng kem chống nắng, các sản phẩm chống côn trùng, nước uống, đồ ăn nhẹ khi đi vào rừng.
Tuân thủ theo quy định để đảm bảo an toàn khi đi xuồng tham quan.
Núi Cấm thuộc thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang là điểm du lịch khám phá, trải nghiệm của đông đảo những người trẻ tìm đến “check-in” thưởng ngoạn phong cảnh non xanh nước biếc, uy nga tráng lệ.
Nơi chốn linh thiêng
Chất liệu xanh cho cuộc sống
Khám phá thiên nhiên tươi đẹp gắn liền với trải nghiệm du lịch thực tế chắc chắn sẽ là chất liệu xanh cho cuộc sống tuyệt đẹp để những ai yêu thi văn, thích âm nhạc dệt nên những trang viết đủ mọi sắc màu của thiên nhiên tươi đẹp. Và Núi Cấm sẽ là nơi tuyệt hảo như thế.
“Cưỡi gió, săn mây” là cụm từ mà những du khách trẻ hay đề cập khi nhắc đến địa danh này. Một sức hút lạ kỳ bởi vẻ đẹp mơ mộng đủ sức làm lay động mọi trái tim yêu thiên nhiên. Dạo quanh và khám phá Núi Cấm, bạn có thể thưởng thức vẻ đẹp bạt ngàn của hoa cỏ dại, săn mây và chiêm ngưỡng phong cảnh hùng vĩ, hoang sơ của núi rừng.
Tuy nhiên, đi khám phá cũng không phải màu hồng, muốn tới Vồ Bồ Hong, đỉnh chót vót của Núi Cấm, bạn sẽ phải vượt qua địa hình phức tạp với những đoạn dốc cao và dựng đứng như thử thách “trêu ngươi” những phượt thủ.
Vồ Bồ Hong – điểm cao nhất ngọn núi, nơi du khách muốn chinh phục
Sau một hồi chinh phục những bậc thang dốc đứng thì trước mắt các phượt thủ sẽ là bức tranh thiên nhiên trác tuyệt, phô diễn sự kỳ vĩ được sắp xếp khéo léo tài tình của mẹ thiên nhiên. Những trái núi, quả đồi xa xa trải dài ngút mắt, phía dưới là những ô ruộng vuông vắn xanh tươi của đồng bằng châu thổ, du khách được thoải mái say sưa tận hưởng tiết trời mát mẻ dịu êm đến lạ thường.
Dẫu có chút khó khăn khi vượt dốc, nhưng đến nơi đỉnh núi, có ai ngờ được thưởng ngoạn toàn cảnh đại ngàn hoang vu, trăm hoa sắc màu đua nhau phủ khắp triền núi. Xa xa, các đỉnh núi thấp hơn cũng mộng mơ đội vòng hoa mây trắng thuần khiết vô cùng đẹp mắt. Đó là điều du khách thấy bất ngờ đến thích thú lạ kỳ.
Anh Phúc Khang, một người đam mê du lịch khám phá đến từ TP Cần Thơ, cho biết: “Tôi là người thích trải nghiệm và khám phá những vùng đất mới. Tôi đã đi nhiều nơi, nhưng khi đến đây, trải nghiệm của tôi thật khác lạ. Đứng nơi đỉnh của “nóc nhà” miền Tây, tôi có cảm giác ngọn núi này như một thiên đường với mây bay la đà bao phủ, gió rít vi vu, không khí mát lạnh, một điều tuyệt vời cho những ai thích săn mây”.
Ngắm bình minh rạng rỡ
Leo núi vốn là một việc ý nghĩa khi bạn phải vượt qua nhiều thử thách để lên đến đỉnh. Thế nhưng, sẽ kỳ diệu hơn nữa khi thứ đầu tiên đón bạn mừng chiến thắng nơi đỉnh núi là gam màu vàng cam bừng sáng cả một bầu trời của bình minh.
Thả hồn mình vào thế giới nguyên thủy, ban sơ của núi rừng
Ngắm bình minh trên Thiên Cấm Sơn sẽ là phần thưởng cho du khách sau khi “săn mây” từ sớm. Một bình minh rực rỡ màu đỏ cam của mặt trời mới nhú, màu trắng ngần của mây ngàn xếp tầng tầng lớp lớp, màu xanh nhạt của rừng cây đang lộ dần sau những làn mây hừng sáng và cả những vệt đen còn sót lại của buổi đêm đang chuyển mình.
Cảnh bình minh giữa một biển trời mây vô tận chắc chắn sẽ khiến ai từng được thưởng thức chẳng thể quên.
Còn gì tuyệt vời hơn khi bạn được hòa mình trong màn sương mờ ảo bao phủ khắp nơi. Những tầng mây trắng trôi lơ lửng xung quanh, chỉ cần giang tay là có cảm giác như chạm tới. Thời khắc, mặt trời từng chút từng chút một ló rạng soi sáng từng dãy núi cho xóm làng đằng xa xa dần hiện rõ.
Và đặc biệt khi mặt trời lên ngang tầm mắt, đứng giữa mây ngàn rồi phóng tầm mắt ra xa, bạn sẽ có cảm giác thật hạnh phúc được “chinh phục chính mình” và ngỡ ngàng nhận ra chẳng ở đâu có thể tìm thấy được.
Mỗi một hành trình khép lại, cũng chính là lúc trang mới của cuộc sống tươi đẹp diệu kỳ được mở ra. Bởi lẽ, tâm hồn đã được nuôi dưỡng, cảm xúc được nâng niu, trái tim được yêu thương đánh thức.
Nếu những ai thấy đời chênh vênh, buồn tẻ thì hãy thử một lần đặt chân lên Núi Cấm để tự mình cảm nhận những điều đặc biệt này và “sạc” đầy năng lượng tích cực để cuộc sống có thêm động lực, yêu đời đắm say, cuồng nhiệt.
Đó là quán ăn được truyền qua 3 thế hệ của gia đình anh Trần Vĩnh Thành (46 tuổi) nằm bên hông Bưu điện Chợ Lớn (Q.5, TP.HCM). Với giá mỗi tô hủ tiếu mì dao động từ 100.000 – 150.000 đồng, hoặc hơn tùy nhu cầu, khách vẫn gọi vui đây là “hủ tiếu nhà giàu”.
4 chị em cùng bán
Quán hủ tiếu mì quen thuộc gần nhà, nằm trên đường Nguyễn Thi (Q.5). Đó là quán của gia đình anh Vĩnh Thành. Lúc nào cũng vậy, vừa đến đây, tôi lập tức phải ghé mắt vào tấm biển hiệu cũ với dòng chữ “Hủ tiếu Lâm Huê Viên”, được viết một cách cổ điển. 6 giờ, quán bắt đầu mở cửa. Khách ghé ăn đều đặn, hết lượt khách này đến lượt khách khác.
Sáng sáng, quán hủ tiếu của gia đình anh Thành đều đặn khách
Trong quán, bốn anh chị em gốc Hoa trong gia đình của anh Thành mỗi người một việc, làm nhanh nhất, tỉ mỉ nhất những phần hủ tiếu, mì, bánh canh… mang ra bàn cho khách để không ai phải chờ đợi lâu. Tiếng cười, nói chuyện trong quán nhộn nhịp.
Anh Thành cho biết quán ăn của gia đình mình đã được truyền qua ba đời, từ đời của ông bà anh. Quán được mở trước năm 1975, trước còn bán nhiều loại nước bên cạnh các món ăn đặc trưng, truyền thống của người Hoa.
Quán ăn được nhiều người biết tới khi bán với mức giá không phải thấp, tô rẻ nhất cũng đã 100.000 đồng. Nói về điều này, bà Trần Vĩnh Diệp (58 tuổi), là chị anh Thành và cũng là chị cả trong gia đình cùng các em điều hành quán cho biết mức giá này là hợp lý.
Phần hủ tiếu đầy đủ giá 100.000 đồng
Theo đó, mỗi tô hủ tiếu mì thập cẩm sẽ có cật, tim, gan, tôm viên, cá viên, tôm, thịt nạc heo, cá bớp có giá 100.000 đồng.Theo bà Diệp, tất cả những nguyên liệu được quán chọn đều là những nguyên liệu tươi ngon nhất, là “hàng tuyển” được chế biến theo công thức gia truyền của gia đình, nguyên liệu đều được dùng trong ngày… nên mới có giá này.
“Tiền nào của nấy”, khi khách ăn, sẽ cảm nhận được điều đó và cũng không phải ngẫu nhiên, quán được khách ủng hộ suốt nhiều đời qua, theo lời bà chủ.
Có ngon như lời đồn?
Món khoái khẩu của tôi ở quán này chính là tô mì thập cẩm, có thêm phần cá bớp. Với tôi, hương vị tô mì ở đây xứng đáng đạt điểm 9/10, xứng đáng với giá tiền bỏ ra. Tôi ấn tượng nhất trong tô hủ tiếu mì ở đây là phần tôm sú tươi rói, giòn ngọt.
Phần hủ tiếu giá 150.000 đồng
Thêm nữa, miếng cật heo khá lớn, xẻ sọc ca rô, ăn vào giòn mà không có mùi khó chịu, chứng tỏ được chế biến rất khéo, dù cật vốn là nguyên liệu không dễ ăn với tôi. Sự phối hợp giữa nước lèo thanh, ngọt dịu, cùng sợi mì truyền thống bắt miệng và các nguyên liệu tươi ngon kể trên chính là lý do mà tôi là “khách ruột” của quán.
Chủ quán tự hào về độ tươi ngon, chất lượng của nguyên liệu
Anh Hứa Thanh (46 tuổi, ngụ Q.11) cho biết mình và gia đình là khách quen của quán suốt mấy chục năm, anh ăn ở đây từ hồi còn trẻ. Vì thích hương vị hủ tiếu mì ở đây mà hầu như tuần nào anh cũng ghé ít nhất một hoặc hai lần, thường là vào cuối tuần. “Mẹ tôi mỗi lần thăm tôi cũng đều kêu tôi mua mì ở đây, mẹ thích ăn. Hôm nay tôi đi mua về cho hai mẹ con cùng ăn sáng. Quán bán từ 6 giờ sáng tới 1 giờ chiều là nghỉ, nên cũng tranh thủ”, anh nói, rồi mang hai phần mì thập cẩm về nhà.
Còn chị Như Lê (28 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) cho biết trong một lần vô tình ghé quán ăn hồi 3 năm trước, khi có công việc ghé qua Bưu điện Chợ Lớn, chị đã thích luôn món ở đây.
Kể từ đó, mỗi lần có dịp sang Q.5, chị đều ghé ủng hộ quán. Vị khách cho biết chị thích nhất là sự phối hợp nguyên liệu cá bớp trong phần hủ tiếu mì, điều mà chị chưa thấy ở những quán khác chị từng ăn qua. Đó cũng là một trong những lý do chị đặc biệt ấn tượng với quán ăn này.
Qua bao thăng trầm, biến thiên, quán ăn vẫn ở đó trong khu Chợ Lớn, mỗi ngày vẫn mang những phần ăn với công thức nấu được truyền qua nhiều thế hệ trong gia đình gốc Hoa đến với khách.
“Bậc thang vắt vẻo dát vàng. Vào vụ lúa chín rộn ràng mùa trao. Bức tranh đẹp nhất vùng cao. Đất trời khoáng đạt quyện vào tiết thu”, đó là câu hát mà nhiều du khách sẽ dễ dàng nghe được nếu lên xã Bản Díu hay xã Nấm Dẩn (Xín Mần, Hà Giang) mùa lúa chín này.
Thời điểm này, Bản Díu và Nấm Dẩn nổi bật với 2 màu chủ đạo đó là màu vàng của lúa chín xen kẽ màu xanh của rừng nguyên sinh.
Từ trên cao, sóng lúa xã Bản Díu mênh mang một màu vàng rực rỡ, đẹp đến mê hồn. Dọc theo con suối, những mái nhà sàn thấp thoáng dưới lớp mây trắng bên cạnh các thửa ruộng bậc thang vàng óng ánh.
Nấm Dẩn còn được ví như cái nôi của người Nùng cổ, do đó khi đến đây, du khách sẽ bắt gặp nhiều bà con người Nùng đang gặt và đập lúa trên những thửa ruộng bậc thang.
Nhiều du khách khi đến Nấm Dẩn đã phải thốt lên rằng, mùa Thu đã khiến Nấm Dẩn bỗng chốc biến hóa thành nàng sơn nữ kiều diễm , lung linh sắc màu và đây được coi là một trong những tọa độ check-in ruộng bậc thang đẹp nhất Hà Giang.
Từ cuối tháng 10, lúa ở Nấm Dẩn bắt đầu chín rộ nên đây cũng là thời điểm thích hợp cho các du khách muốn chụp hình với lúa chín và trải nghiệm không khí mùa thu trong lành nơi đây.
Bên cạnh ruộng bậc thang, Nấm Dẩn còn nổi tiếng với các di tích lịch sử như Bãi đá cổ Nấm Dẩn , bốt Đèo gió, Thác tiên…
Nhiều chuyên gia và đơn vị lữ hành nhận xét, hiếm có địa phương nào có cảnh quan, khí hậu trong lành và những danh thắng mang vẻ đẹp thiên nhiên và giá trị khảo cổ như Nấm Dẩn.
Với thác Tiên – đèo Gió, bãi đá cổ mang nhiều bí ẩn chưa thể giải đáp, cùng hệ thống ruộng bậc thang phân bố khắp các thôn, xã Nấm Dẩn là một trong những điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch huyện Xín Mần nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung.