Bài dự thi biểu tượng du lịch TP HCM của nhóm H.HAM với chủ đề “Saigon Museum”, lấy cảm hứng thiết kế từ bảo tàng. Để sáng tạo biểu tượng check-in cho thành phố sôi động và duyên dáng này, nhóm lựa chọn vị trí là phố Nguyễn Huệ – con đường sầm uất bậc nhất Sài Thành.

Phố Nguyễn Huệ có lịch sử 300 năm, được biến đổi từ con kênh phục vụ bến bãi buôn bán hàng hóa thời nhà Nguyễn, thành trục đại lộ hành chính – thương mại – văn hóa thời Pháp thuộc. Nay là trục đi bộ cảnh quan kết hợp các hoạt động xã hội, văn hóa, chính trị, thương mại một cách hài hòa của TP HCM.

Dựa trên quy luật phối cảnh, nhóm thiết kế tính toán để các khối hình học như được sắp đặt ngẫu nhiên, nhưng khi quan sát tại một vị trí cố định, lại nằm gọn trong một khung ảnh lớn, tạo ra bức tranh Bản đồ TP HCM – Sài Gòn. Vị trí quan sát đó được nhóm gọi là “Vùng Rõ Ảnh”.

Đến đây, du khách có thể đứng ngoài, đi xuyên qua, nhìn lên trên, bên cạnh hoặc chui vào trong những chiếc hộp, để được nghe những câu chuyện theo nhiều cách khác nhau. Được đặt ở tại con đường giàu văn hóa lịch sử, Sài Gòn Museum mong muốn được tương tác với bối cảnh xung quanh, kiến tạo một bức tranh tổng thể về đời sống văn hóa, giá trị đương đại cũng như xưa cũ của Sài Gòn qua lăng kính hiện đại.

Mô hình “Thanh âm đô thị” đến từ các bạn trẻ nhóm Cháo thiết kế lấy ý tưởng từ nhịp sống đô thị sôi động của TP HCM. Theo phối cảnh, mô hình nằm trước công trình Nhà hát TP HCM, công viên Lam Sơn. Đây là nơi tập trung nhiều nhà hàng, khách sạn, cửa hàng cao cấp và du khách nước ngoài nên phù hợp để quảng bá văn hoá, du lịch TP HCM.

Thiết kế này được tạo hình như một bản nhạc, với khoá nhạc cổ điển và khoá nhạc cách điệu mang ý nghĩa xô bồ, vội vã. Đồng thời, không gian tương tác được nhóm thiết kế hướng theo phong cách nhộn nhịp. Hệ thống màn hình LED tại mô hình được đặt dọc theo các dải kim loại xuyên suốt, nhằm cung cấp thông tin, quảng bá hình ảnh nhà hát, taọ không gian check-in cho khách du lịch đến TP HCM.

Tác phẩm “Dragon Heart” được nhóm thiết kế Pravi kỳ vọng như biểu tượng tháp Eiffel của Pháp, sư tử biển của Singapore. Do đó, biểu tượng cần đặt ở vị trí đắc địa nhất thành phố như ở khu vực cầu Ba Son, bến Bạch Đằng, bến Nhà Rồng.

Quả cầu “Trái tim rồng” được thiết kế 9 vòng tượng trưng cho 9 con rồng – ĐBSCL – đầu tàu kinh tế phía Nam. Biểu tượng còn mang ý nghĩa uống nước nhớ nguồn, khi có 2 hình khối đối lập nhau: khối trái tim bên trên đại diện cho hiện tại và tương lai, khối đế bên dưới đại diện cho quá khứ. Mô hình được đặt âm xuống lòng đất thể hiện tính bảo tồn và vị thế về mặt không gian.

Tác phẩm này có thể chuyển động với 3 hình thái: tĩnh, chuyển động và cực. Trong đó, tĩnh xuất hiện lúc 0h và 12h với chiếc vòng thu lại làm một; cực xuất hiện lúc 6h và 18h, các vòng được xoay tới giới hạn để tạo thành một khối tròn.

Theo nhóm Tản mạn kiến trúc – tác giả mô hình “Vượt ký ức – nơi giao thoa thời gian”, việc thiết kế bến Bạch Đằng trở thành một địa điểm của ký ức cộng đồng là hợp lý và cần được khuyến khích. Các công trình đặt tại bến Bạch Đằng cần nhấn mạnh tính tương tác, cho phép sự đồng kiến tạo và đóng góp ý nghĩa từ cư dân để tạo thành một địa điểm ký ức cộng đồng thực sự.

Với công nghệ năng lượng xanh Pavegen, mỗi bước đi của con người sẽ tạo ra 100 W điện. Trong đó, 5% năng lượng tạo ra được dùng cho việc thắp sáng đèn LED gắn vào mỗi tấm. Đặc biệt, Vượt Ký Ức không chỉ là một cây cầu, còn là một tác phẩm nghệ thuật tái hiện các giai đoạn lịch sử khai phá, hình thành và phát triển cũng như về lối sống sinh hoạt văn hóa – kinh tế gắn với sông Sài Gòn. Các vòng ký ức trên thân cầu được khắc những khung cảnh gợi nhắc đến bến Bạch Đằng xưa. Thông qua sự thay đổi của thời gian, các ký ức ẩn sâu trong tiềm thức mỗi người dần được đánh thức, tái hiện lại trực quan nhất.

Biểu tượng “Đẩu Đẩu” được tác giả Nguyễn Mạnh Thắng lấy cảm hứng thiết kế từ chiếc ghế đẩu truyền thống, là biểu tượng không thể thiếu trong văn hóa đường phố Việt Nam, trở thành nét đặc trưng cho nhân vật mascot.

Ghế đẩu không chỉ mang đến sự thoải mái và tiện ích, còn đánh dấu lịch sử và tâm huyết của người Việt Nam. Nhân vật mascot trong đó vừa mang nguồn cảm hứng vui nhộn, vừa là biểu tượng sâu sắc, nối liền các thế hệ và kể câu chuyện đặc biệt về sự giao thoa giữa xưa và nay.

Đúng với tên gọi nhóm Sen Sen, biểu tượng check-in du lịch TP HCM được nhóm thiết kế hình bông sen. Lotus Mirage tập trung vào sự kết hợp tinh tế giữa lá sen, không gian phản chiếu và ánh sáng. Nơi đây là một thế giới mơ mộng, phức tạp và thuần túy. Mỗi chi tiết kiến trúc đều là một câu chuyện về vẻ đẹp tự nhiên.

Mô hình này còn là hành trình để cộng đồng khám phá giới hạn sáng tạo. Theo trưởng nhóm, hình lá sen được tạo nhịp liên kết với hồ phun nước Hoa sen Thủy tinh và mặt bằng cảnh quan hoa sen ở công viên bến Bạch Đằng. Nơi đây là địa điểm lý tưởng để khách du lịch tới tham quan, check-in cùng biểu tượng thành phố.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận